MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
19h30 ngày 30.4, thị xã Sơn Tây tổ chức khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: ĐT

Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây- Hà Nội sắp khai trương

Phạm Đông LDO | 27/04/2022 15:56

Hà Nội - Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ được khai trương và đi vào hoạt động từ 19h30 ngày 30.4. Không gian đi bộ sẽ thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của thị xã.

Chiều 27.4, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tổ chức hội nghị thông tin báo chí về năm du lịch Sơn Tây – xứ Đoài và hoạt động tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

Ông Nguyễn Đăng Thạo - Phó ban Thường trực tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây cho biết, 19h30 ngày 30.4, thị xã Sơn Tây tổ chức khai mạc năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

Theo ông Thạo, năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa kết hợp với các điểm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi trên địa bàn và các vùng lân cận.

Có thể kể đến những quần thể văn hóa tiêu biểu, như Thành cổ Sơn Tây, đền Và, chùa Mía, Làng cổ Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây, khu du lịch hồ Đồng Mô... sẽ là điểm đến thăm quan, nghỉ dưỡng của đông đảo du khách.

Ông Nguyễn Đăng Thạo thông tin về việc chuẩn bị khai trương tuyến phố đi bộ. Ảnh: Phạm Đông

Đặc biệt, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là một trong bốn tuyến phố đi bộ của Hà Nội. Tuyến phố đi bộ đưa vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm. Từ đó, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thị xã.

- Phạm vi hoạt động của tuyến phố đi bộ: Phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh - Nguyễn Thái Học với điểm đầu là Cổng cũ UBND thị xã và điểm cuối là Ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học (cầu cửa Tiền), với tổng chiều dài khoảng 820m; tổng diện tích khoảng 34.550m. Thời gian hoạt động: Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Toàn cảnh hội nghị.

Cũng theo ông Thạo, các hoạt động chính diễn ra trên tuyến phố đi bộ gồm:

+ Hoạt động thể thao đường phố: Tâng bóng nghệ thuật, patin, ván trượt, xe đạp Xgame, dance Sport...

+ Nghệ thuật đường phố: Dân vũ quốc tế, ký họa, thư pháp, cờ người, nhóm nhạc đường phố, ảo thuật, nghệ thuật truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam...

+ Mô hình mới: Rối nước, chèo thuyền hào Thành cổ, Mobile Home...

Ông Nguyễn Huy Khánh - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, địa phương được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô, có tính chất là đô thị văn hóa, lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng.

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh.

Tuy nhiên, khác với phố đi bộ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây phải có những hoạt động để thu hút khách du lịch vào những ngày nghỉ. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các điểm du dịch, resort sinh thái xung quanh khu vực Ba Vì và Sơn Tây đều kín phòng vào dịp cuối tuần. Các điểm du lịch này cũng mong muốn có thêm không gian văn hóa, du lịch và đi bộ cho du khách.

Theo ông Khánh, tới đây thị xã sẽ có buổi làm việc tới Tổng Công ty vận tải Hà Nội để đề xuất mở rộng các tuyến xe buýt đến các điểm du lịch của địa phương. Đồng thời khuyến khích các đơn vị có xe điện, kết nối người từ Làng cổ Đường Lâm đến phố đi bộ.

Hình ảnh tuyến phố đi bộ thứ 4 của Hà Nội sắp đi vào hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn