MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động trẻ là con em đồng bào tái định cư đã được kết nối với các doanh nghiệp, có việc làm phù hợp.

Tuyên Quang: Thay đổi để làm giàu trên vùng đất tái định cư

Nguyễn Tùng LDO | 12/03/2023 10:57

Sau khi rời mảnh đất ông cha để đến những nơi tái định cư, hàng chục nghìn đồng bào vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang đã thay đổi nếp nghĩ, vươn lên làm giàu trên chính nơi ở mới.

Vợ chồng chị Bế Thị Yến bồng bế nhau từ vùng lõi của lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang (xã Thuý Loan, Na Hang) về khu tái định cư thuộc xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) từ những năm 2006. Cuộc sống nơi đất khách quê với bao lạ lẫm kèm lo lắng mưu sinh.

Sau một thời gian tìm hiểu và cũng đã thử qua một vài công việc, vợ chồng chị Yến quyết chọn nghề làm mỳ, bún khô để khởi nghiệp. Vừa làm vừa học, anh Nguyễn Văn Thuật (chồng chị Yến) cũng đã phải lặn lội về tận Bắc Giang để học nghề theo hướng sản xuất công nghiệp.

Từ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ đến năm 2016, vợ chồng chị Yến đã mở được một cơ sở làm bún, mỳ khô khá quy mô với diện tích nhà xưởng của lên hơn 500m2. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động đều là những hộ dân di dân vùng lòng hồ về tái định cư tại thôn 22, xã Kim Phú.

Chị Bế Thị Yến chia sẻ: "Ở quê cũ cũng chỉ biết vào rừng lấy củi, ra hồ đánh bắt cá, làm thuê mướn qua ngày. Về đây gần thành phố, thuận tiện đi lại hơn nên phải quyết làm ăn kinh tế mà nuôi con. Có cái nghề làm bún này cuộc sống ổn định hẳn, con cái cũng yên tâm ăn học".
Cơ sở sản xuất mỳ, bún khô của đồng bào tái định cư tại xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã có thương hiệu. 

Với những hộ trước kia chỉ biết trông đợi vào mấy sào ruộng, chưa đến mùa đã hết gạo như gia đình anh Nông Văn Thắng (xã Phù Lưu, Hàm Yên) thì nay nhờ được giao đất đồi, trồng cây cam đã cho cuộc sống sung túc.

Theo anh Thắng, ngày trước chỉ có nghề làm ruộng thôi mà ruộng trên bản thì ít, nhà lại đông người nên nghèo đói. Bây giờ về tái định cư ở vùng ca, học hỏi bà con địa phương cách trồng cách chăm cây rồi mình cũng tự làm. 

Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ, đào tạo nghề cho đồng bào vùng di dân được triển khai đã giúp những người như anh Thắng có cơ hội tiếp cận kiến thức, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ thích nghi tốt với nơi ở mới, mỗi năm gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng.

"Thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm là điều mà ngay cả mơ cũng không dám khi ở quê cũ, về đây mới thấy chỉ có phát triển nghề nghiệp ổn định mới giúp người dân tái định cư như mình vươn lên thoát nghèo, đất đai có cơ mà" - anh Thắng tâm sự.

Nhiều điểm tái định cư đồng bào đã thích nghi và đã hình thành những nghề có thương hiệu như bún khô, tăm tre ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), nghề nuôi trâu, bò nhốt chuồng ở xã Bình An (Lâm Bình), trồng chè ở xã Tân Thành (Hàm Yên), nuôi trồng thủy sản ở xã Đà Vị (Na Hang).
Nghề trồng cam mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào tái định cư. 

Ông Lê Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang) cho biết, khi tổ chức triển khai dạy nghề cho bà con tái định cư, các đơn vị còn hỗ trợ người dân duy trì nghề sau khi được đào tạo, giúp bà con có thu nhập thường xuyên từ nghề mới.

Đề án di dân tái định cư của tỉnh Tuyên Quang đã đào tạo, chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho khoảng 2.500 lao động. Những năm mới về tái định cư, tỷ lệ các hộ nghèo tái định cư chiếm đến 77%, đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo giảm còn dưới 20%.

Đồng thời, các phiên giao dịch việc làm hoặc các lớp đào tạo nghề, dạy nghề ngắn ngày cũng được ưu tiên tổ chức ở các huyện vùng sâu, vùng xa và các địa phương có hộ tái định cư. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công việc mới.

Để xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, từ năm 2003 đến 2006 hơn 20.000 người dân vùng lòng hồ đã được di chuyển đến 125 điểm tái định cư thuộc 42 dự án tái định cư trên toàn tỉnh Tuyên Quang. Đến nay các điểm tái định cư đã "thay da đổi thịt", cuộc sống của đồng bào ấm no từng ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn