MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Điểm tốt nghiệp THPT sẽ làm căn cứ xét tuyển đại học. Ảnh: Huyên Nguyễn

Tuyển sinh đại học 2022: Đổi mới nhưng có lộ trình, không nóng vội

HUYÊN NGUYỄN LDO | 09/10/2021 09:35

Trong phương án tuyển sinh năm 2022, Bộ GDĐT đã khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn. Trước chủ trương này, bên cạnh việc ủng hộ cũng không ít ý kiến cho rằng, các trường không nên quá vội vàng trong tổ chức thi riêng mà cần có lộ trình và sự kiểm soát của Bộ GDĐT. 

Đề thi không phân hoá mạnh, khó tuyển người tài

Theo ông Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng, Bộ GDĐT thống nhất phương án thi tốt nghiệp THPT 2022 tương tự như năm 2021 là hợp lý trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học. Nếu kỳ thi có nhiều thay đổi thì sẽ vất vả cho thầy trò, gây tâm lý lo lắng cho học sinh, phụ huynh.

Về tuyển sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT với vai trò là đánh giá kết quả giáo dục phổ thông và xét tốt nghiệp cho học sinh. Những năm gần đây, Bộ GDĐT đã điều chỉnh giảm mức độ khó của đề thi để đảm bảo mục tiêu đó. 

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng nhận định, các phương án tuyển sinh của năm 2021 vẫn phát huy được tác dụng trong năm 2022 như xét học bạ, dùng chứng chỉ ngoại ngữ, tuyển thẳng, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của đại học quốc gia…

“Để tập trung và ít tốn kém thì các trường thường sử dụng chung kết quả của nhau. Đặc biệt, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của mình cũng có thể cung cấp kết quả cho hàng trăm trường đại học khác sử dụng. Nếu các trung tâm khảo thí đi vào hoạt động thì đây sẽ là giải pháp ổn định và lâu dài cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng” - ông Tùng nhận định.

PGS-TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cũng bày tỏ sự ủng hộ phương án của Bộ GDĐT, bởi nó thích ứng với bối cảnh mới và đảm bảo lộ trình đổi mới đã và đang diễn ra.

Chưa nên vội vàng

Mặc dù ủng hộ quan điểm, chủ trương trên của Bộ GDĐT nhưng thạc sĩ Đinh Đức Hiền - Giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng: Hiện nay theo Luật Giáo dục mới, các trường đại học sẽ tự chủ trong vấn đề tuyển sinh. Những năm vừa qua rất nhiều phương thức tuyển sinh đã được sử dụng, các trường khác nhau có các phương thức tuyển sinh khác nhau, điều này tạo điều kiện cho học sinh vào các trường đại học. Tuy nhiên, nó cũng sẽ gây ra tình trạng lạm dụng nếu không có sự kiểm soát, đồng thời học sinh và phụ huynh rất dễ bị rối loạn thông tin tuyển sinh, phương hướng ôn tập.

Hơn nữa điều kiện kinh tế xã hội, học tập, mặt bằng chung về giáo dục còn đang chênh lệch ở nhiều nơi nên thiết nghĩ trong tình hình hiện nay việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào điểm thi THPT vẫn là lựa chọn tối ưu nhất, đảm bảo hơn sự công bằng trong giáo dục. Đặc biệt là những trường cạnh tranh cao, chỉ tiêu ít, điểm chuẩn cao thì sự chênh lệch điểm rất nhỏ thôi cũng đã quyết định việc đỗ hay trượt.

Ở những trường này nếu phương thức tuyển sinh riêng khi xét hồ sơ có chỉ tiêu quá lớn sẽ càng tác động mạnh mẽ đến điểm chuẩn với phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên do Luật Giáo dục mới nên bộ chỉ khuyến cáo, việc quyết định vẫn nằm ở các trường đại học.

Ông Hiển cho rằng, trong năm 2022, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn nên được ưu tiên sử dụng. “Theo tôi, chỉ khi hình thành các trung tâm khảo thí lớn, uy tín, ổn định, có sự liên kết của các trường đại học thì lúc đó chỉ tiêu từ kết quả thi THPT sẽ không còn chiếm tỉ lệ lớn nữa” - ông Hiển bày tỏ và kiến nghị, đề thi năm 2022 cần có sự phân hóa tốt hơn nữa, đặc biệt trong khoảng điểm 8 đến 10 điểm và bắt buộc đồng đều ở các môn để công bằng giữa các khối thi và cho chính học sinh.

Đồng quan điểm một lãnh đạo trường đại học phía Nam lo ngại, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến hiện tượng “trăm hoa đua nở”, tỉ lệ ảo cao dẫn đến nhiễu loạn trong tuyển sinh. Vị này cho rằng, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới năm học 2022 - 2023 như hiện nay thì bất cứ thay đổi nào, đặc biệt là thêm tiêu chí để xét tuyển đại học đều có thể gây nhiễu loạn cho phụ huynh, học sinh. 

Cần thông báo sớm

Để không xảy ra tình trạng thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học như năm vừa qua, ông Trần Mạnh Tùng cho rằng, Bộ GDĐT cần thông tin rộng rãi về vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù tuyển sinh là việc của các trường đại học nhưng trong giai đoạn hiện nay, Bộ GDĐT nên tăng cường vai trò quản lý, điều phối, ban hành chính sách, đưa thêm quy định, tiêu chí với một số ngành đặc thù… Các trường đại học, cao đẳng nên chủ động xây dựng phương án tuyển sinh và công bố sớm để học sinh thuận lợi trong việc học và ôn thi. Cùng với đó, Bộ GDĐT cần hỗ trợ để 2 đại học quốc gia chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi đánh giá năng lực, khuyến khích các đại học, cao đẳng sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

Đặc biệt, cần thông tin sớm và đầy đủ để học sinh nắm được thông tin, quy chế, có sự chuẩn bị tốt nhất cho mình, tránh những quyết định đáng tiếc như chỉ đăng ký đúng 1 nguyện vọng.

Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhiều kỳ thi đánh giá trong năm

Trong năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 7-8 đợt trong năm cho khoảng 30.000 thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng. Đợt thi sớm nhất có thể diễn ra từ tháng 2, sau đó rải rác đến tháng 8.2022. H.NGUYỄN 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn