MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành Y tế - Sức khỏe đang nhận được nhiều quan tâm. Ảnh: A.Q

Tuyển sinh đại học khối ngành y tế: Chênh lệch lớn về đầu vào, học phí

HUYÊN NGUYỄN -ANH NHÀN LDO | 08/04/2021 13:48

Mùa tuyển sinh năm 2021, thêm nhiều trường đại học, đặc biệt là trường ngoài công lập mở các chương trình đào tạo khối ngành Y tế - Sức khoẻ. Cùng với đó, mức học phí đào tạo khối ngành này cũng ngày một tăng cao. Việc này nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội vì đây là ngành nghề đặc biệt, quyết định trực tiếp đến tính mạng con người.

Mở rộng hình thức xét tuyển

Hiện tại, các trường tuyển sinh khối ngành Sức khoẻ đã bắt đầu công bố đề án tuyển sinh năm 2021. Thay vì chỉ tuyển sinh kết quả thi tốt nghiệp THPT, đại học tuyển sinh khối ngành Sức khoẻ ngày càng mở rộng hình thức xét tuyển, trong đó, chú trọng tới ngoại ngữ.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Dược TPHCM - cho biết: Ngoài tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, Trường Đại học Y Dược TPHCM sẽ xét tuyển 2 phương thức dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đối với tất cả ngành đào tạo) và xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và điểm thi THPT quốc gia (đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học và Điều dưỡng).

Phía Trường Đại học Y Dược Hà Nội thông tin, đề án tuyển sinh 2021 của trường sẽ được công bố trong vài ngày tới, tuy nhiên, về cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2020. Tổng chỉ tiêu tăng nhẹ. Phương án xét tuyển vẫn căn cứ chủ yếu vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, một phần dành cho xét tuyển thẳng. Điểm mới năm nay là nhà trường sẽ dành một số ưu tiên nhất định với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Tương tự, Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội thay vì chỉ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như 2 năm gần đây, năm nay, nhà trường mở rộng thêm đối tượng xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương.

Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên, ngoài xét kết quả thi THPT quốc gia 2021 cũng mở rộng hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập (học bạ) tổ hợp các môn ở THPT vào cả 6 nhóm ngành đào tạo. Thí sinh đạt các giải thưởng trong nước và quốc tế, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được quy đổi thành điểm ưu tiên.

Ở khối ngoài công lập, Trường Đại học Văn Lang hiện đang đào tạo 4 ngành liên quan tới khối ngành Sức khoẻ, gồm Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học. Năm 2021, trường mở thêm một số ngành như Y khoa, Y học cổ truyền. Những ngành này sử dụng 4 phương thức xét tuyển: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét điểm thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM; xét tuyển thẳng và xét học bạ. Trong khi đó, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến tuyển sinh 8 ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe. Nhà trường áp dụng 5 phương thức tuyển sinh bao gồm cả xét tuyển và thi tuyển. Thí sinh có thể chọn một hoặc nhiều phương thức xét tuyển.

Nhiều ý kiến cho rằng đối với khối ngành Sức khoẻ, chất lượng đầu vào cần phải có những yêu cầu nghiêm ngặt, vì vậy nhiều người lo lắng về việc xét tuyển học bạ đối với khối ngành này. Theo TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang - dù với phương thức xét nào, các trường sẽ phải tuân thủ đúng quy chế của Bộ GDĐT về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

“So với trường công lập chuyên đào tạo về y dược, điểm đầu vào của các trường ngoài công lập thấp hơn. Để giải quyết bài toàn chất lượng, chúng tôi phải nâng cao chất lượng trong quá trình đào tạo, khắt khe trong đầu ra. Đầu tư về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, công nghệ. Đối với các trường ngoài công lập được tự chủ tài chính, vì thế, đầu tư sẽ nhanh hơn, mạnh dạn hơn chứ không bị bó buộc, chờ xin ý kiến như với trường công lập” - ông Tuấn cho hay.

Học phí còn tăng cao

Vấn đề học phí đào tạo khối ngành Sức khoẻ ngày một tăng cao cũng khiến nhiều phụ huynh, học sinh e ngại. Hiện nay, mức học phí dự kiến cao nhất ở các trường ngoài công lập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm như: Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Tân Tạo.

Ở trường công lập, mức học phí cao nhất khoảng từ 60 đến gần 90 triệu đồng/năm ở các trường: Khoa Y - Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Y Dược TPHCM. Độ chênh lệch học phí cũng rất lớn khi có trường công lập như Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên chỉ 14,3 triệu đồng/năm. Tại Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, đối với các ngành chương trình chuẩn học phí 14,3 triệu đồng/năm; đối với chương trình chất lượng cao, mức học phí 60 triệu đồng/năm.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Dược TPHCM - chia sẻ: “Nói đến học phí thì chúng ta phải xác định là đang đầu tư cho một nghề nghiệp tương lai. Chuyện đầu tư có phù hợp hay xứng đáng không thì xem đến chất lượng đào tạo. Từ năm 2020, nhà trường được Bộ Y tế cho phép tự chủ kèm theo đó có việc thu học phí theo mức đầu tư cho đào tạo để phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết rằng mức học phí tăng sẽ đi cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, phương pháp giảng dạy”.

Ông Khôi khẳng định trường sẽ đảm bảo các em nghèo học giỏi luôn có chính sách hỗ trợ học phí, không có em nào vì nghèo mà không được học Đại học Y Dược TPHCM. Năm 2020, quỹ học bổng của trường trích trên 10% học phí nhưng đến thời điểm này vẫn còn dư.

Còn TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang - nhận định học phí là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn của thí sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, các trường luôn có chính sách học bổng tuyển sinh đầu vào. Nếu học sinh nghèo, học sinh thực sự học xuất sắc sẽ nhận được học bổng của nhà trường và các đối tác nên không còn lo về vấn đề học phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn