MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thợ lò Công ty CP than Núi Béo (Quảng Ninh) tan ca. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tuyển và giữ chân thợ lò ngành than ngày càng khó khăn

Nguyễn Hùng LDO | 06/01/2022 12:00
Không nhà, xa gia đình, vợ con, nên nhiều thợ lò, đặc biệt là những người ở vùng Tây Bắc, xác định sẽ chỉ làm một vài năm, kiếm đủ tiền xây nhà, mua đàn trâu là về hẳn quê. Vì thế, việc tuyển và giữ chân thợ lò của ngành than ngày một khó khăn và mãi chưa tìm ra giải pháp để ổn định lực lượng chủ chốt này.

Nghề tạm thời

Có lẽ giờ này, L.V.T ở Hà Giang đang yên phận cùng vợ, con ở bản làng của mình, sau khi đã hoàn thành chỉ tiêu “kiếm đủ đàn trâu”. Ngày về Hạ Long đầu quân cho một công ty than, L.V.T nói với lãnh đạo công ty này rằng, sẽ về quê sau khi kiếm tiền mua đủ đàn trâu như của người giàu nhất bản anh.

Với mức lương cao của thợ lò hiện nay - trung bình 15 triệu đồng/tháng, nhiều người thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm - chỉ cần tiết kiệm chi tiêu, chưa đến một năm L.V.T đã hoàn thành chỉ tiêu. Tuy nhiên, anh vẫn ở lại thêm một vài năm để kiếm tiền xây nhà rồi mới quyết định bỏ nghề thợ lò, về quê ở hẳn.

Trần Văn Huynh - dân tộc Tày, quê Lục Yên, tỉnh Yên Bái - làm thợ lò của Công ty than Hòn Gai từ năm 2019. Anh trải qua rất nhiều nghề, phiêu bạt khắp nơi và chỉ cảm thấy yên tâm khi trở thành thợ lò, với mức thu nhập không dưới 20 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ ưu đãi khác.

Nhưng, nỗi niềm canh cánh trong anh là vợ, con, bố ở quá xa, không thể chia sẻ gánh nặng hoặc thường xuyên về thăm được. Một số đồng nghiệp cùng quê của anh, dù gắn bó với nghề thợ lò 7-8 năm cũng đã bỏ về quê, sau khi tích cóp được chút vốn.

Ông Vũ Văn Thịnh - Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm tuyển sinh & giới thiệu việc làm của trường Cao đẳng than - khoáng sản Việt Nam vừa trở về từ chuyến đi Tây Bắc kéo dài gần 2 tuần để đi tuyển thợ lò theo chỉ tiêu TKV giao.

Trước kia, được vào ngành than không hề đơn giản, nhưng giờ đây, lãnh đạo, cán bộ, giáo viên của trường Cao đẳng than - khoáng sản Việt Nam phải đến tận các bản làng xa xôi để tuyển thợ lò. 

Đau đầu bài toán an cư

Theo ông Thịnh, từ nhiều năm nay, số lượng công nhân, lao động toàn ngành than không biến động, nhưng mỗi năm nhà trường vẫn tuyển từ 2.000 - gần 5.500 thợ lò.

“Số tuyển mới chính là số thay thế cho số đã nghỉ hưu, nghỉ việc. Nhưng lượng về hưu không đáng mấy, mà phần lớn là nghỉ việc, trong đó chủ yếu là thợ lò quê Tây Bắc” - ông Thịnh cho biết.

Cũng theo ông Thịnh, theo khảo sát, ở nhiều doanh nghiệp đều có tình trạng người lao động nghỉ việc và buộc phải tuyển mới. Đây là điều bình thường, nhưng với ngành than thì rất khó khăn, bởi để đào tạo được một thợ lò không đơn giản và đến lúc có tay nghề vững thì lại bỏ việc.

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc tuyển thợ lò là người dân Quảng Ninh hoặc ở các tỉnh, thành lân cận rất khó khăn, nên buộc phải lên tận vùng cao, vùng sâu để săn tìm nguồn nhân lực. Theo báo cáo của trường Cao đẳng than - khoáng sản Việt Nam, lượng thợ lò là người các tỉnh Tây Bắc luôn chiếm 50% tổng số thợ lò được tuyển mới hằng năm.

“Không chỉ các thợ lò quê Tây Bắc, mà ngay các thợ lò ở các tỉnh, thành dưới xuôi, nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp thì cũng khó giữ chân họ” - ông Thịnh cho biết.

Chia sẻ với Lao Động, nhiều thợ lò xa quê cho rằng ước mơ có một nơi “cắm dùi” ở Quảng Ninh, để hi vọng một ngày nào đó đưa vợ, con ra đoàn tụ, ngày một xa vời khi mà giá đất cứ liên tục nhảy múa.

Chưa kể, đưa vợ, con ra Quảng Ninh, vợ không có việc làm, con đi học, nhà đi thuê thì lấy gì nuôi nhau và biết đến bao giờ ổn định cuộc sống?

Hiện, hầu hết các khu tập thể của các công ty than ở Quảng Ninh đều chỉ bố trí phòng ở cho các thợ lò độc thân; vợ, con ở quê ra thăm ngắn ngày thì được bố trí ở một số phòng “hạnh phúc” ít ỏi trong các khu tập thể. Một số thợ lò đưa vợ con ra Quảng Ninh sinh sống, buộc phải ra ngoài thuê nhà trọ.

Để thu hút và giữ chân thợ lò, TKV vừa quyết định tăng lương và các mức thưởng, hỗ trợ lớn từ năm 2022.

Tuy nhiên, theo những người làm công tác tuyển dụng và giới thợ lò, “an cư” mới là vấn đề quyết định “lạc nghiệp” của thợ lò. Vấn đề này đã được ngành than và tỉnh Quảng Ninh bàn nhiều, nhưng đến giờ vẫn chưa có giải pháp khả thi, nên tình trạng “kiếm đủ đàn trâu, sẽ về quê” còn kéo dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn