MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bùn thải được nạo vét, tập kết ở khu vực hói Phát Lát. Ảnh: Phúc Đạt

“Tuýt còi” vụ bùn nạo vét lên được đổ thẳng xuống ao hồ

PHÚC ĐẠT LDO | 15/04/2024 07:37

Đại diện Phòng Tài Nguyên và Môi trường TP Huế cùng các bên liên quan khẳng định, bùn thải được nạo vét lên từ công trình khơi thông hói (kênh) Phát Lát (TP Huế) được kiểm nghiệm không nguy hại môi trường mới được đổ thẳng ra ao hồ, tuy nhiên, sau khi Báo Lao Động phản ánh, việc đổ bùn thải này đã được tạm dừng để kiểm định lại chất lượng bùn.

Bùn lỏng, có mùi thối

Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc, PV Báo Lao Động có mặt ở bãi tập kết bùn thải cạnh chân cầu Vân Dương (đoạn qua đường Nguyễn Lộ Trạch, TP Huế) và bắt gặp một chiếc xe tải được máy xúc chất đầy bùn lỏng cạnh mép hói Phát Lát rồi di chuyển đến đường Cơ Thánh thuộc địa phận thôn Bằng Lãng xã Thủy Bằng (TP Huế) thì dừng lại. Tại đây, tài xế cho ben thủy lực của xe từ từ nâng lên, nhiều khối bùn lỏng đổ ào xuống khu vực hồ nước sát mép đường sau đó tràn xuống khu vực hồ ruộng.

Qua quan sát, khối lượng bùn lớn đã được đổ xuống hồ nước khu vực Bàu Năng (thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, TP Huế). Số bùn thải trên được nạo vét từ công trình khơi thông hói Phát Lát đi qua 2 phường An Đông và phường Xuân Phú (TP Huế) do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) làm chủ đầu tư kiêm đơn vị thi công; tổng mức đầu tư hơn 5,6 tỉ đồng.

Một người dân cho biết: “Đống bùn này bốc mùi hôi thối rất khó chịu”.

Bùn không nguy hại nhưng vẫn bị “tuýt còi”?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hùng Hữu Danh - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế khẳng định, sau khi dự án được phê duyệt, HEPCO đã hợp đồng với Trung tâm quan trắc TNMT (Sở TNMT) lấy mẫu quan trắc chất lượng bùn của hói Phát Lát và xác định không có thông số nào vượt ngưỡng quy chuẩn QCVN 50: 2013/BTNMT. “Sau khi kiểm định không nguy hại môi trường nên chúng tôi mới dám đổ” - ông Danh nói.

Ông Trương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng - cho biết, việc đổ bùn thải xuống ao hồ ở địa bàn xã được UBND TP Huế chấp thuận. Theo biên bản làm việc giữa các bên (ngày 30.3.2024) đánh giá, khu vực đổ bùn thải là khu vực Bàu Năng (xã Thủy Bằng) có sức chứa khoảng 56.000m3 do UBND xã Thủy Bằng quản lý. Khu đất này hiện đang bỏ trống, do địa hình trũng sâu tạo thành hố nước. Ngoài ra, trong danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, khu vực Bàu Năng không thuộc danh mục niêm yết. Do đó, HEPCO đề xuất vị trí trên làm bãi đổ bùn thải của dự án Khơi thông hói Phát Lát, với khối lượng bùn đổ thải ước khoảng 11.000m3 (sau đó được UBND TP Huế chấp thuận).

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hồ Lâm Phúc - Phó Trưởng phòng TNMT TP Huế - cũng khẳng định, việc lấy mẫu quan trắc chất lượng bùn được đơn vị độc lập thuộc Sở TNMT là đúng thẩm quyền, chất lượng bùn không nguy hại sau đó mới được nạo vét đem đi đổ; bãi đổ bùn thải khu vực Bàu Năng, thôn Bằng Lãng (xã Thủy Bằng) cũng được UBND TP Huế chấp thuận.

Tuy nhiên, ông Lâm Phúc cho biết, sau khi nhận được phản ánh, đơn vị này đã làm việc với chủ đầu tư cũng là đơn vị thi công, yêu cầu tạm ngưng đổ bùn thải từ công trình thi công hói Phát Lát xuống vị trí khu vực Bàu Năng.

Còn ông Đặng Phước Bình - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, sau khi nhận được phản ánh của Báo Lao Động, sở và phía công an cũng độc lập lấy mẫu bùn thải để gửi đi trong và ngoại tỉnh nhằm giám định, dự kiến trong 10 ngày sẽ có kết quả, lúc đó mới có hướng xử lý tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn