MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu. Ảnh Anh Thư.

Tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam thấp hơn so với trung bình trong khu vực

ANH THƯ LDO | 18/12/2020 11:24
Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai cho thấy tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam trong độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực.

Sáng 18.12, Hội thảo Công bố báo cáo điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ 2 và định hướng công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam được tổ chức.

Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và Đầu tư) thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Cuộc điều tra được thực hiện vào năm 2018 cho thấy, có hơn 1,7 triệu trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế tại Việt Nam, trong đó có hơn 1 triệu trẻ là lao động trẻ em.

Báo cáo điều tra đã xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 đến 17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm.

So sánh trong khu vực, tỉ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

So với kết quả Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ nhất (được thực hiện vào năm 2012), số liệu gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018.

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho hay, lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu, hiện nay, theo ước tính của Tổ chức lao động quốc tế, có khoảng 152 triệu lao động trẻ em. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em, làm mất đi các quyền của trẻ và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai.

Đồng nhất với xu hướng chung của toàn cầu, 84% lao động trẻ em tại Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Những khu vực khác có nhiều lao động trẻ em bao gồm dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Khoảng 40,5% lao động trẻ em là các lao động trong hộ gia đình không được trả lương.

Ông Chang Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho hay: "Kết quả điều tra sẽ cung cấp cho chúng ta một bức tranh cập nhật về tình hình lao động trẻ em ở Việt Nam và nhấn mạnh những tiến bộ đáng kể mà Việt Nam đã đạt được kể từ năm 2012 tới nay".

Theo Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế, thông qua kết quả điều tra, có thể thấy tỷ lệ trẻ em hoạt động kinh tế trong độ tuổi 5-17 tuổi đã giảm đáng kể. Điều tra cũng cho thấy những thành tựu ấn tượng trong việc tỷ lệ trẻ em hoạt động kinh tế đi học tăng lên gần 20%.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả khảo sát là cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam xây dựng các chiến lược, chính sách thực hiện các cam kết quốc tế về quyền trẻ em, về phòng, chống lao động trẻ em, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, giúp hoàn thiện hơn cơ sở dữ liệu về lao động trẻ em và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phân tích số liệu lao động trẻ em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn