MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một căn nhà trên rạch Giồng Ông Tố bị sạt lở hồi tháng 7.2021 được chủ nhà gia cố tạm thời. Ảnh: Minh Quân

UBND TPHCM chỉ đạo đẩy nhanh thi công các dự án chống sạt lở

MINH QUÂN LDO | 01/08/2022 19:42

TPHCM – UBND TPHCM yêu cầu các quận huyện và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án chống sạt lở để chủ động ứng phó và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngày 1.8, UBND TPHCM có văn bản gửi các quận huyện và đơn vị liên quan về an toàn công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ năm 2022.

Theo đó, UBND TPHCM giao Sở GTVT khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẩn trương triển khai thi công hoàn thành các dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa đoạn 2, đoạn 3, đoạn 4 và thực hiện gia cố bờ bao sông Sài Gòn tại 5 vị trí cửa xả; Chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM nếu để xảy ra tình trạng sạt lở, bể bờ bao gây ngập úng trong khu vực các dự án.

Thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị,… khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã có chủ trương đầu tư, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả tiêu thoát nước, chống sạt lở.

Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu 10 địa phương, gồm: Quận 4, 8, 12, Gò Vấp, huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Thành phố Thủ Đức khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành và quyết toán các công trình phòng chống thiên tại còn tồn đọng, kéo dài nhiều năm.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự án đê kè, thủy lợi nhằm phát huy hiệu quả ngăn triều, chống ngập úng, sạt lở, bảo vệ an toàn khu dân cư.

Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư và cân đối bố trí vốn cho các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Đồng thời, rà soát tiến độ thực hiện đầu tư các công chậm triển khai thi công hoặc chưa cần thiết ưu tiên vốn đề xuất UBND TPHCM dừng công trình, dự án để chuyển nguồn vốn cho các công trình, dự án khác cấp bách hơn.

Nhiều căn nhà chờ sập bên bờ rạch Giồng Ông Tố (Thành phố Thủ Đức). Ảnh: Minh Quân

Thống kê, toàn TPHCM ghi nhận 32 vị trí sạt lở tại 7 quận, huyện với tổng chiều dài hơn 17km, ảnh hưởng tới 1.341 hộ dân. Mức độ sạt lở được chia thành hai cấp: Đặc biệt nguy hiểm (12 vị trí) và nguy hiểm (20 vị trí).

Thành phố Thủ Đức với huyện Nhà Bè là hai địa phương có nhiều vị trí sạt lở nhất với 8 điểm. Chỉ riêng khu vực rạch Giồng Ông Tố (xung quanh hai bờ tiếp giáp với cầu Giồng Ông Tố) phường Bình Trưng Tây và An Phú (Thành phố Thủ Đức) có đến 2 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Tiếp đến là huyện Cần Giờ (6 vị trí), quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh (4 vị trí), quận 8 và huyện Hóc Môn (1 vị trí).

Hiện 25/32 vị trí sạt lở đã được lập dự án xây dựng kè với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án khá chậm hoặc đang "nằm trên giấy". 7 vị trí còn lại chưa có chủ trương đầu tư dự án đê kè.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn