MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân huyện Hòn Đất thu hoạch lúa. Ảnh: N.A

Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, tạo lợi nhuận cho nông dân

NGUYÊN ANH LDO | 01/10/2022 06:30

Trước giá vật tư, phân bón tăng cao, tỉnh Kiên Giang đã có các giải pháp nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận...

Phân bón, vật tư nông nghiệp chỉ tăng không giảm 

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục tăng và giữ mức cao kỷ lục so những năm trước. Qua khảo sát,  1 bao phân đạm 50kg có giá 1 triệu đồng/bao tăng 200.000 đồng/bao so vụ hè thu năm ngoái, 1 bao phân kali tăng 360.000 đồng/bao, phân DAP tăng 420.000 đồng/bao, hầu như tăng gần gấp đôi. 

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, nông dân huyện Hòn Đất chia sẻ, cơ cấu trong sản xuất lúa thì giá thành phân bón chiếm khoảng 22%, giống lúa chiếm 9%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%. Nếu trước đây chi phí sản xuất chỉ dao động từ 10-12 triệu đồng/ha nay phân bón, xăng, dầu tăng giá làm tăng chi phí đầu tư sản xuất gấp hai lần. 

Còn gia đình ông Huỳnh Vinh Võ, ngụ xã Bình An huyện Châu Thành (Kiên Giang) trồng tổng hợp khóm - cau - dừa cho biết, thường năm ông tốn khoảng 20 triệu tiền phân thì giờ tăng gấp đôi. Giá phân thì cũng có biến động nhưng mọi năm lên xuống không đáng kể riêng năm nay lên quá cao. 

Tận dụng biện pháp kỹ thuật 

Trước tình thế giá chỉ tăng không giảm, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên, nông dân giảm chi phí sản xuất.

Vụ hè thu 2022, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh chọn 1 số hộ tại huyện Hòn Đất triển khai mô hình trồng lúa chất lượng cao thí điểm với 12ha. Nông dân được tập huấn sản xuất theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, đồng thời sử dụng phân bón cân đối, hợp lý. 

Không chỉ giảm thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tạo ra hạt gạo sạch mà còn giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Ban đầu nhiều nông dân còn e ngại với việc sạ thưa nhưng khi thấy hiệu quả mang lại thì các hộ bắt đầu học hỏi theo. Việc gieo sạ bằng máy sạ lúa theo bụi giúp giảm 50% lượng giống so với phương pháp sạ lan, giảm 20% chi phí phân bón, 20% chi phí thuốc bảo vệ thực vật. 

Ông Nguyễn Văn Hồng, nông dân huyện Hòn Đất chia sẻ, phân bón vật tư có giá như vậy mình không thể hạ được nhưng những khoản khác trong tầm kiểm soát thì mình chủ động hạ được, bù qua đắp lại để giảm chi phí chung.

“Thứ nhất mình sạ thưa để cây lúa khỏe, ít bệnh, giảm phân bón. Thứ 2 mình dùng giống chất lượng, phù hợp như khuyến cáo thì năng suất sẽ cao hơn” - ông Hồng cho biết thêm. 

Theo cán bộ trạm khuyến nông huyện Châu Thành, dùng phân bón hữu cơ vừa góp phần bảo vệ môi trường lại tăng lợi nhuận. Thói quen gieo sạ của nông dân là khi lúa bắt đầu lên 10-15cm mới bón phân thì lúa chỉ hấp thụ được 50%, phần còn lại bốc hơi hết vừa hao tốn lại ảnh hưởng môi trường. Cán bộ khuyến nông khuyến cáo bà con có thể thay thế bằng cách bón lót khi làm đất, dùng phân hữu cơ... để ứng phó với giá phân tăng cao như hiện nay. 

Truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ 

Hiện nay, giải pháp tạm thời là khuyến cáo nông dân tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng) khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng quy trình sản xuất 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như gieo sạ bằng máy, phun thuốc bằng máy bay, quản lý bơm tưới bằng thiết bị di động, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân bón hóa học. 

Ông Lâm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang - cho biết, hiện nay, yêu cầu nông sản nhập khẩu phải thực hiện truy xuất nguồn gốc với tiêu chuẩn về chất lượng ngày càng cao hơn. Điều này đòi hỏi nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu để thích ứng khoa học kỹ thuật, như vậy mới có lợi nhuận cao hơn từ đồng ruộng.

“Giữa thời bão giá, nông dân có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ khắc phục được một số chi phí, mang lại lợi nhuận ổn định hơn. Tuy nhiên trong khâu tiêu thụ chưa có doanh nghiệp liên kết bao tiêu nên vẫn còn tình trạng bán nhỏ lẻ cho thương lái dễ bị ép giá. Hướng đi lâu dài gỡ khó cho bài toán về giá, đầu ra của nông dân chính là hình thành vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn, đủ điều kiện liên kết với doanh nghiệp” - ông Toàn chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn