MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xâm nhập mặn dự báo sẽ diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL trong mùa khô năm nay. Ảnh: Trần Lưu

Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt năm 2021

Vũ Long LDO | 08/02/2021 07:30

Dự báo nguồn nước thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn; miền Trung bị hạn hán.

Dự báo hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao

Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), dự báo năm 2021, biến đổi khí hậu tiếp tục gây nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm, trong đó các hình thái thiên tai gây nhiều thiệt hại nhất là: Bão tố, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ, mưa đá, sạt lở đất, lũ quét…

Mùa khô 2020-2021, xâm nhập mặn gay gắt nhất có thể xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ ngày 9-15.2, trùng với dịp Tết Nguyên đán, có thể dẫn đến thiếu nước ngọt.

Ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện dòng chảy thượng nguồn về ĐBSCL suy giảm, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế gia tăng trong tháng 2.2021.

Mực nước các sông ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận có thể thấp hơn cùng kỳ năm trước 20-50%. Nguy cơ thiếu nước và hạn hán có khả năng xảy ra ở các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên từ tháng 3 đến tháng 4, sau đó lan ra các tỉnh miền Trung khác.

Ủy ban Sông Mekong quốc tế cũng cho biết tổng lượng dòng chảy trong tháng 2 từ thượng nguồn sông Mekong ở Campuchia đến vùng đồng bằng sẽ ít hơn từ 5-15% lượng trung bình và từ tháng 3 đến tháng 5, dòng chảy sẽ đạt lượng trung bình.

Mực nước sông Cửu Long mùa khô năm nay sẽ biến đổi theo triều và cao hơn trung bình từ 0,1-0,3m. Đối với sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn được dự báo trong tháng 3 và tháng 4, sau đó sẽ giảm dần. Phạm vi xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long khoảng 55-75km.

Chủ động ứng phó, đảm bảo sản xuất an toàn

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo mùa kho 2020-2021 nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô, và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng. Vì vậy, các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn nặng ngay từ bây giờ. Khuyến cáo tình hình hạn hán, ngập mặn tại các vùng như sau:

Vùng thượng ĐBSCL nguồn nước đảm bảo cho sản xuất, chủ động sản xuất sớm vụ đông xuân nhằm giảm sử dụng nước các tháng kiệt. Tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) đề phòng hạn ở các vùng này.

Sử dụng hệ thống bơm dẫn trữ nước ngọt cho bà con tại ĐBSCL. Ảnh: Trần Lưu

Vùng giữa ĐBSCL đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập cao trong năm này, chủ động giảm diện tích vụ Đông xuân các vùng đã bị ảnh hưởng ở năm 2020. Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần.

Khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam lưu ý: Trong các kỳ triều kém ở tháng 2 các địa phương chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với việc giảm xả thủy điện từ Trung Quốc ảnh hưởng ở tháng 2.

Vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao trong tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6. Chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn