MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa của ĐAN

Ứng phó với tin đồn gây nhiễu loạn thị trường

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 14/10/2022 06:13

Sự việc xảy ra tại ngân hàng SCB những ngày qua thêm một lần nữa cho thấy tin đồn gây ảnh hưởng lớn đến thị trường như thế nào. Một thái độ bình tĩnh nhằm kiểm soát rủi ro là khuyến cáo mà nhà đầu tư cần lưu tâm, giữa bối cảnh thị trường tỏ ra nhạy cảm với những thông tin lan truyền mạnh như hiện nay.

Chao đảo bởi tin đồn

Công an các địa phương đang vào cuộc xử lý nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến sự việc tại ngân hàng SCB.

Theo đó, ngày 9.10, Công an tỉnh Hà Nam đã làm việc với Nguyễn Kiên Quyết (SN 1982), trú tại TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Đối tượng này đã sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc hàng loạt người dân đồng loạt rút tiền tại ngân hàng.

Bài đăng của Quyết trên Facebook có nội dung: “Ai gửi tiết kiệm ngân hàng nhanh chân rút về mua đất ngay còn kịp nhé. Không là không có tiền rút”, kèm theo đó là hình ảnh người dân tập trung đông tại các phòng giao dịch, chi nhánh của Ngân hàng SCB. 

Mới đây, ngày 12.10, Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết, đơn vị vừa tiến hành lập hồ sơ xử lý trường hợp tài khoản mạng xã hội Facebook đăng tải nội dung sai sự thật nói rằng Ngân hàng SCB vỡ nợ. Tại cơ quan công an, đối tượng này thừa nhận hành vi thiếu kiểm chứng, đồng thời, cho biết mục đích của việc này là nhằm tăng lượt tương tác để bán hàng online. 

Nhiều ngày qua, những tin đồn thất thiệt tiếp tục khiến cho thị trường kinh tế, tài chính chao đảo. Ồ ạt người tin theo những thông tin dạng "truyền tai", chưa được kiểm chứng rồi kéo đến trụ sở ngân hàng để rút tiền, gây áp lực lên hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng. Đây không phải lần đầu người dân ồ ạt đi rút tiền sau những tin đồn và biến động. Năm 2014, trong ngày đầu tiên cơ quan cảnh sát điều tra thông tin lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh - cũng là nhân sự chủ chốt của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) - bị bắt, VNCB đã bị rút khoảng 1.000 tỉ đồng và tiếp tục bị rút ra trong ngày kế tiếp, song khối lượng đã giảm xuống 50%.

Chưa dừng lại ở câu chuyện trên, gần đây nhất, nhiều thông tin thất thiệt cũng xuất hiện trên mạng xã hội xoay quanh ông Lưu Quốc Thắng - Trưởng ban Kiểm soát SCB và ông Diệp Bảo Châu - Phó Tổng Giám đốc trên các trang mạng xã hội. Vấn đề nghiêm trọng khiến cho ngay sau đó, SCB phải lên tiếng cho biết, các nhân sự này vẫn đang điều hành công việc hằng ngày của ngân hàng, đồng thời, "các tin đồn thất thiệt về nhân sự cấp cao làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của ngân hàng”.

Trước đó, chỉ trong năm nay thôi, thị trường cũng chứng kiến nhiều lần tin đồn "hoành hành", ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư. Vào tháng 4 là sự việc Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM liên quan đến những thông tin không rõ nguồn gốc gây tâm lý hoang mang, khiến cho nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, làm cho giá cổ phiếu HSG giảm sàn.

Cũng vào giữa tháng 4, xuất hiện trên mạng xã hội video với tiêu đề: "Lộ danh sách 12 ông lớn bất động sản sắp bị thanh tra". Thông tin chưa kiểm chứng này đã gây ra sự hoang mang cho nhà đầu tư, khiến cổ phiếu các đơn vị xuất hiện trong video bị ảnh hưởng mạnh. Trong khi đó, vào đầu năm nay cũng xuất hiện tin đồn cho rằng, cơ quan chức năng từ chối việc tăng vốn của một số công ty chứng khoán. Tin đồn ảnh hưởng nghiêm trọng tới lượng vốn hoá trên sàn giao dịch thời điểm đó. 

Xử lý nghiêm các sai phạm

Bình luận về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT nhận định, tin đồn có đất sống bởi vẫn đang có môi trường để tồn tại. Môi trường đó đến từ việc các quy định pháp lý vẫn chưa được hoàn thiện, cập nhật. Nhưng khía cạnh trọng yếu hơn, theo ông Tuấn, là vai trò của bộ phận IR (Investor Relationship - Quan hệ nhà đầu tư) của doanh nghiệp. 

"Nhiều năm qua bộ phận này vẫn chưa được các công ty nhìn nhận trọng yếu và thái độ ứng xử còn hời hợt và qua loa, phải hiểu rằng đây là cánh cửa giao tiếp chính với nhà đầu tư một cách chính danh và thuận tiện" - ông Huỳnh Minh Tuấn phân tích. Quan điểm của vị này cho rằng, hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp cần được tiến hành rõ ràng, nhanh chóng hơn. 

Ở góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường rất nhạy cảm với tin đồn, dễ bị điều chỉnh mạnh và tạo ra những cú sốc ngắn hạn. Chuyên gia này khuyến cáo khi nghe tin đồn, nhà đầu tư cần phải thật sự bình tĩnh để kiểm soát rủi ro, thiệt hại, kể cả trong trường hợp tin đồn đúng hoặc sai.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an - cho biết, cơ quan chức năng có chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh kinh tế với tinh thần mọi hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó có hoạt động tung tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Người phát ngôn Bộ Công an cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần tỉnh táo, không bị tác động bởi các tin đồn thất thiệt, chưa được kiểm chứng, theo dõi sát thông tin từ các nguồn chính thống. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn