MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng công binh tiếp tục thông đường 71 để đưa phương tiện vào cứu hộ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: CTV

Ưu tiên thông đường 71, tìm kiếm 15 công nhân mất tích

Hoàng Văn Minh - Trần Hữu LDO | 17/10/2020 08:19

Đến thời điểm này, trong hiện trường thủy điện Rào Trăng 3 vẫn còn 15 công nhân mất liên lạc (thi thể thứ 2 được tìm thấy ngày 16.10). Song song với đường thủy, lực lượng cứu hộ tiếp tục thông tuyến đường bộ 71 nối từ xã Phong Xuân vào Rào Trăng khoảng 30km để đưa phương tiện cơ giới vào cứu hộ cứu nạn.

Công binh chuẩn bị tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3

Sáng 16.10, lực lượng cứu hộ tiếp tục tập kết lực lượng ở xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế để vào Thủy điện Rào Trăng 3 tìm kiếm 15 người còn mất tích bằng đường thủy đồng thời đưa thi thể 1 công nhân vừa được tìm thấy ra ngoài. Lực lượng cứu hộ còn được bổ sung thêm đội flycam từ Sài Gòn ra và sẽ sử dụng công nghệ tầm nhiệt, truyền hình ảnh trực tiếp để tìm người... Trước đó hôm 15.10, lực lượng cứu hộ gồm lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, các đơn vị thi công và lực lượng Kiểm lâm khoảng 100 người quần thảo tại hiện trường vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 nhưng không tìm thấy được dấu vết của sự sống cũng như thi thể người chết.

Về phía đường bộ, theo ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - thì một lực lượng cứu hộ khác của quân đội đang thông tuyến đường 71 (dài 30km, nối từ xã Phong Xuân của huyện Phong Điền vào thủy điện Rào Trăng 3 và 4. Đây là tuyến đường xảy ra vụ lở núi làm 13 người thiệt mạng ở Tiểu khu 67. “Thông đường 71 là vấn đề ưu tiên hiện nay. Bởi chỉ khi nào thông tuyến được đường 71, đưa được xe đào và các phương tiện cứu hộ vào hiện trường thì việc cứu hộ mới hiệu quả được” - ông Định nói. Theo Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 - hiện lực lượng công binh thông tuyến đường 71 chỉ còn 13km nữa là tiếp cận được với hiện trường thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường bộ.

So với khu vực Tiểu khu 67, việc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn ở hiện trường thủy điện Rào Trăng 3 khó khăn hơn gấp nhiều lần bởi hiện trường rộng hơn, khối lượng đất đá đổ xuống nhiều hơn, địa hình phức tạp hơn... Theo mô tả của lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường thì gần như nguyên quả đồi từ vị trí cột điện cao thế đổ úp xuống hướng về con suối (nước chảy ra sông Bồ) khoảng 400 - 500m theo đường chim bay. Ước tính khoảng hàng trăm nghìn khối đất đá đổ sập. Bức tường dày, kiên cố (để che chắn núi, chống sạt lở) nằm sau lưng các công trình, nhà ở, nhà kho cũng bị đẩy văng ra bên kia bờ suối. Toàn bộ nhà ở, nhà lán, nhà kho, nhà vệ sinh, máy móc thiết bị, tài sản ở khu vực này và hàng chục người đang nằm ngủ bị thổi bay, mất tích đến hôm nay.

Đặt an toàn lên hàng đầu

Sáng 16.10, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - đã có cuộc họp với lãnh đạo Quân khu 4, các lực lượng có cuộc họp đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và bàn phương án tìm kiếm 16 công nhân đang mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3. Các bên liên quan dự báo việc cứu hộ cứu nạn sẽ rất khó khăn bởi tiếp sau đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 6 đến 13.10 khiến mực nước có nơi vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế cảnh báo sẽ có đợt mưa lớn trên diện rộng từ 16 đến 19.10.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung mọi nỗ lực, phối hợp với các lực lượng khơi thông tuyến đường lên Rào Trăng 3 phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Tiếp tục duy trì hoạt động của Sở Chỉ huy tiền phương với lực lượng nòng cốt của Quân khu IV và của tỉnh để triển khai cứu hộ cứu nạn giai đoạn 2. “Công tác cứu hộ cứu nạn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, đừng để cứu hộ lại phải cứu hộ lần nữa” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu xây dựng phương án tốt nhất để cứu hộ cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” theo hướng an toàn cao cho lực lượng cứu hộ. Nắm chắc diễn biến về thời tiết; báo cáo vị trí cứu hộ cứu nạn chính xác tuyệt đối; gia cố tuyến đường 71 đảm bảo an toàn. Đề nghị có hệ thống hậu cần tốt về điện, lương thực, phương tiện; đảm bảo thông tin liên lạc điều hành cứu nạn. Trung ương sẽ tăng cường phương tiện, lực lượng cho tỉnh. Ngoài lực lượng chủ lực và lực lượng phối hợp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu có lực lượng dự báo điểm sạt trượt núi trong mùa mưa; cử các công nhân thông thạo địa hình, địa vật hỗ trợ lực lượng cứu hộ cứu nạn.

Cũng trong sáng 16.10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức cuộc họp tìm phương án tiếp tục tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phó tổng Tham mưu trưởng chủ trì hội nghị. Tham dự cuộc họp, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc đưa người rời khỏi khu vực nguy hiểm đã tiến hành được 2 đợt với 21 người được đưa ra, trong đó có 2 thi thể nạn nhân. Hiện nay, vẫn còn lại 12 công nhân ở lại thủy điện Rào Trăng 3. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ công bố danh sách các công nhân mất tích” - ông Phan Thiên Định nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn