MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh để trở lại trường. Ảnh: MAUR

Vaccine nội - nguy cơ lỡ nhịp nếu không kịp chuyển hướng

Thiều Trang - Đặng Chung LDO | 06/11/2021 06:30

Chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021, nhưng hiện, Bộ Y tế vẫn chưa có thông tin mới về tiến độ sản xuất vaccine nội và thời gian có thể tự chủ vaccine. Trong khi đó, các đơn vị nghiên cứu trong nước đang gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm và tìm người thử nghiệm lâm sàng, do không theo kịp tiến độ tiêm vaccine của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Vaccine nội có thể bị “chậm nhịp”

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, vaccine được coi là “chìa khóa vàng” giúp con người chung sống an toàn với dịch bệnh, vì vậy việc đẩy nhanh bao phủ vaccine là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, lượng vaccine được sử dụng ở nước ta thời gian qua chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ từ nước ngoài, hoặc theo hợp đồng mua bán nhà nước đã ký với các đối tác. Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, việc chờ đợi vaccine sẽ mất nhiều thời gian, điều này tác động không nhỏ đến tiến độ tiêm chủng và độ bao phủ vaccine trên cả nước.

Do đó, vấn đề tự chủ vaccine mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết, góp phần tạo ra miễn dịch cộng đồng và sớm đưa đất nước trở về “trạng thái bình thường mới”.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, có 5 loại vaccine phòng COVID-19 đang được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, 2 loại vaccine do chính Việt Nam nghiên cứu, phát triển là Nano Covax và Covivac; 2 loại vaccine được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài là Vaccine VBC-COV19-154 và Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein; 1 loại được gia công đóng ống tại Việt Nam là Vaccine COVID-19 Sputnik V.

Theo đánh giá mới nhất của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia (Hội đồng Đạo đức), vaccine Nano Covax “đạt yêu cầu về tính an toàn, chưa có dữ liệu đánh giá hiệu lực bảo vệ”. Hội đồng cũng đề nghị Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen và nhóm nghiên cứu vaccine hoàn thiện báo cáo theo kết luận và tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax theo đề cương đã được phê duyệt để hoàn tất nghiên cứu vào tháng 3.2022.

Bộ Y tế nhiều lần nhấn mạnh về chủ trương hết sức ủng hộ và mong mỏi sớm có vaccine sản xuất trong nước để Việt Nam có thể tự chủ vaccine. Mục tiêu cố gắng cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam có vaccine nghiên cứu, sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021, nhưng hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có thông tin mới về tiến độ sản xuất vaccine nội. Thậm chí hiện đơn vị nghiên cứu đang gặp khó khăn trong tìm địa điểm để triển khai giai đoạn 3a thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC. Lý do là không thể tìm kiếm người có đủ điều kiện tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine (điều kiện là chưa tiêm mũi vaccine COVID-19 nào), vì nhiều nơi đã hoàn thành tiêm mũi 1, thậm chí đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên.

Ngoài ra, theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đưa ra mục tiêu sẽ tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Với mục tiêu và tiến độ tiêm vaccine như hiện nay, giả sử nếu cuối năm 2021 có 1 vaccine nội được cấp phép và sản xuất thì vaccine này cũng không thể sử dụng cho 2 liều tiêm cơ bản nữa. Có nghĩa vaccine nội đã bị “lỡ nhịp”.

Hiện nay, theo thông tin mới nhất tại báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV - thì tiến độ sản xuất vaccine “made in Vietnam” mới đang dừng ở việc: Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nano Covax, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine COVIVAC. Dự kiến trong quý II/2022 sẽ có vaccine chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ.

Nếu các nhà sản xuất vaccine nội không đẩy nhanh và chuyển hướng sang việc nghiên cứu hiệu quả của vaccine Việt Nam ở liều tiêm bổ sung và thử nghiệm hiệu quả phòng bệnh ở trẻ em, thì rất có thể sẽ tiếp tục bị chậm nhịp trong thời gian tới. 

Chuyển hướng nghiên cứu để tránh lãng phí

Khẳng định vaccine đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19 và khôi phục giao thương giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: “Thành công rất lớn của Việt Nam đến thời điểm này là từ vùng trắng vaccine vào tháng 3, nay chúng ta đã có trên 82 triệu liều vaccine được tiêm. Đây có thể coi là kỳ tích. Tuy nhiên, chúng ta phải có vũ khí, phương tiện để đẩy mạnh phòng chống dịch về lâu dài và ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh để phục hồi kinh tế. Vũ khí ở đây chính là vaccine”. Ông cho rằng ngành Y tế cần nêu rõ lộ trình, tính khả thi của vaccine nội.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần chủ động đẩy nhanh nghiên cứu và thử nghiệm với vaccine nội phù hợp với tình hình mới. Đó là nghiên cứu vaccine cho trẻ em, đối tượng cũng cần được bảo vệ, nhưng hiện nay nguồn vaccine còn khan hiếm và hiệu quả của mũi tiêm bổ sung ở người trên 18 tuổi. Đây là giải pháp hữu hiệu, cấp bách, không chỉ giải tỏa “cơn khát” vaccine mà còn tiết kiệm chi phí nhập khẩu vaccine, cũng như không lãng phí chi phí đã đầu tư, bỏ ra trước đó để nghiên cứu vaccine nội. 

Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, vaccine “made in Vietnam” có vị trí, vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Để không bị lỡ nhịp, thì cần nhanh chóng có kế hoạch sản xuất phù hợp với bối cảnh thực tiễn.

“Có vaccine “made Vietnam” không chỉ là niềm tự hào về câu chuyện người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà còn đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và bao phủ vaccine, không lệ thuộc hay chờ đợi từ bên ngoài. Đặc biệt, thể hiện quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, kế hoạch sản xuất vaccine trong nước cần tính toán và đẩy nhanh để theo kịp được tiến độ tiêm chủng quốc gia, để tăng hiệu quả và không lãng phí nguồn lực” - Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà: Cần theo kịp tiến độ tiêm chủng Quốc gia

“Có vaccine “made Vietnam” không chỉ là niềm tự hào về câu chuyện người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà còn đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và bao phủ vaccine, không lệ thuộc hay chờ đợi từ bên ngoài. Đặc biệt, thể hiện quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, kế hoạch sản xuất vaccine trong nước cần tính toán và đẩy nhanh để theo kịp được tiến độ tiêm chủng quốc gia, để tăng hiệu quả và không lãng phí nguồn lực”- Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn