MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM sẽ hình thành các đô thị vệ tinh để giảm tải cho khu trung tâm. Ảnh: Anh Tú

Vai trò quan trọng của 5 đô thị vệ tinh đối với TPHCM

MINH QUÂN LDO | 29/08/2023 06:00

TPHCM sẽ phát triển 5 đô thị vệ tinh để giãn dân, giải quyết hàng loạt vấn đề đi kèm như giao thông, ô nhiễm, chất lượng cuộc sống.

Đô thị vệ tinh giúp phát triển bền vững

Theo định hướng điều chỉnh quy hoạch TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, thành phố có khoảng 13-14 triệu người vào năm 2040, tăng lên 16 triệu người vào năm 2060 và mục tiêu sẽ là trung tâm tài chính, dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương.

Trong đó, đến năm 2040, dự kiến khu vực nội thành cũ có 4,5-5 triệu người; TP.Thủ Đức có 1,9 triệu người (năm 2060 là 3 triệu người); khu nội thành phát triển có 2,2-2,9 triệu người; khu ngoại thành khoảng 4,2-5,6 triệu dân (dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người); riêng Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người.

Khu trung tâm TPHCM ngày càng ngột ngạt. Ảnh: Anh Tú

Lâu nay, người dân vẫn tập trung về trung tâm TPHCM làm việc, học tập, mua sắm,… dẫn đến quá tải, kẹt xe triền miên. Nguyên nhân chính do các khu vực ngoại thành TPHCM chất lượng dịch vụ như giáo dục, y tế, giao thông... còn kém, không đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân nên mọi người cứ đổ dồn về trung tâm.

Trong lần điều chỉnh quy hoạch sắp tới, để giảm áp lực tại khu trung tâm, TPHCM hướng đến hình thành và phát triển các khu đô thị “vệ tinh”.

5 khu đô thị vệ tinh gồm: TP.Thủ Đức là đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao phía Đông; Cần Giờ là đô thị sinh thái, cửa ngõ giao thương với quốc tế bằng đường biển; Khu đô thị phía Nam với với Phú Mỹ Hưng là trung tâm; Khu đô thị Tây Nam (huyện Bình Chánh) là cửa ngõ kết nối với miền Tây; Khu đô thị Tây Bắc là cửa ngõ kết nối với Bình Dương, Tây Ninh, Campuchia.

Các tòa nhà cao tầng mọc hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ qua huyện Nhà Bè. Ảnh: Anh Tú

Kiến trúc Ngô Viết Nam Sơn – chuyên về quy hoạch đô thị, đánh giá nếu TPHCM hình thành được 5 đô thị vệ tinh như trên sẽ giúp phát triển bền vững. Theo ông Sơn, mỗi đô thị vệ tinh sẽ có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ người dân tại chỗ, không cần đi vào nội thành.

“Khu nội thành có nhà hát, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng cho thuê, bệnh viện, trường đại học,… thì đô thị vệ tinh sẽ có y như vậy. Khi đó, sẽ giảm lưu lượng giao thông không cần thiết đi vào nội thành giúp giảm kẹt xe. Đô thị vệ tinh cũng tạo nên nguồn công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, người dân có cơ hội đi làm ở gần nhà mà không phải đi rất xa. Đồng thời, đô thị vệ tinh sẽ tạo ra bản sắc, giá trị riêng phù hợp với nhu cầu của người dân” – ông Sơn nói.

Thách thức không nhỏ

Mặc dù ủng hộ phát triển các khu đô thị vệ tinh nhưng ông Ngô Viết Nam Sơn cho biết TPHCM còn nhiều thử thách cần giải quyết nếu muốn mô hình này thành công.

Dẫn chứng TP.Thủ Đức (định hướng trở thành khu đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao phía Đông), ông Sơn cho rằng sau gần 3 năm thành lập, mô hình thành phố trong thành phố này chưa đạt được thành tựu nào đáng kể nào. Do đó, trước khi nhân rộng ra để làm đô thị vệ tinh Đông – Tây – Nam – Bắc, nên tập trung làm cho TP.Thủ Đức thành công trước. “Thành công theo nghĩa 3 quận hợp lại thì GRDP của TP.Thủ Đức phải cao hơn 3 quận đứng riêng” – ông Sơn nói.

Cũng theo vị kiến trúc sư này, TPHCM phải có những đột phá mới lúc trước không làm được như đột phá về hạ tầng, công ăn việc làm, đời sống người dân tốt hơn. Ngoài ra, cần giải quyết được bài toán cơ chế, đó là lãnh đạo của thành phố trong thành phố phải có quyền hạn cao hơn một chủ tịch quận. “Hiện vai trò của Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức khá mờ nhạt vì quyền hạn ít” – ông Sơn dẫn chứng.

TPThủ Đức chưa đạt được như kì vọng sau gần 3 năm thành lập. Ảnh: Hữu Chánh

Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, cho rằng TPHCM muốn phát triển đô thị, thành phố vệ tinh, phải tìm cho được động lực chính để thu hút đầu tư, để cư dân sinh sống, phát triển phồn thịnh. Thực tế cho thấy, nếu không có động lực, chỉ dừng lại ở việc “phân lô bán nền hoặc xây nhà ở chung chung” thì thành phố sẽ trở nên èo uột.

Ông Trí dẫn chứng, thành phố mới Bình Dương (tỉnh Bình Dương) bao nhiêu năm hình thành vẫn chưa thu hút được cư dân hoặc TP.Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) mặc dù đã quy hoạch nhưng chỉ phân lô bán nền tràn lan và đến nay vẫn chưa có người dân tụ cư. “Do đó, việc hình thành thành phố thì dễ nhưng chúng ta phải tìm cho được động lực, hay như ông bà nói tổng kết đất lành chim đậu” – ông Trí nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn