MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vẫn chưa rõ nguyên nhân sạt lở ở Long Hồ, người dân tiếp tục lo lắng

HOÀNG LỘC LDO | 14/06/2023 18:00

Người dân sinh sống tại các điểm sạt lở, điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đặc biệt ở huyện Long Hồ, đang lo lắng trước tình hình sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Lo lắng từng ngày

Hơn 20 ngày qua, gần chục hộ dân sinh sống ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long hoang mang lo sợ trước tình trạng đê bao sông Cái Cao có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng ở đoạn đã gia cố sau sạt lở lần 1 vào năm 2019 và một đoạn mới liền đó dài hơn 20 m lún sâu trên 30 cm.

This browser does not support the video element.

Bà Nguyễn Thị Năm, người dân có nhà bị ảnh hưởng do sạt lở ảnh hưởng trình bày lo lắng. Video: Hoàng Lộc

Nhiều người dân nơi đây cho biết, trước đây đoạn sông này có bãi bồi nhưng qua thời gian nước chảy mạnh, ghe lưu thông qua lại nhiều dẫn đến sạt lở và hiện nay xuất hiện tình trạng đất lún sâu, nhiều vết nứt xuất hiện.

Ông Bùi Văn Bé (Tư Bé) ở đoạn có nguy cơ sạt lở nói: “Khi bắt đầu mùa mưa năm nay, phần đất của con đường nhựa này đã lún một đoạn hơn 20m khiến cho việc đi lại của người dân thêm khó khăn, nhất là vào lúc trời mưa và vào buổi tối, đã có hơn 10 vụ té ngã xe xảy ra trong thời gian nửa tháng nay”.

Theo ông Tư Bé, nhà ông có 5 nhân khẩu trong đó 3 người lớn và 2 cháu nhỏ nên ông rất lo sợ vào buổi tối, nếu có chuyện sạt lở sẽ trở tay không kịp. Ông đã sắp xếp các tài sản trong nhà gọn về 1 vị trí và sẽ di dời những cây mai trước nhà đến nơi an toàn, tránh trường hợp sạt xuống sông xem như mất trắng.

Còn hộ bà Đinh Thị Thiệp ở đoạn sông Cái Cao - địa điểm từng bị sạt lở được hoàn thành gia cố lại khoảng đầu năm 2022 nhưng hiện nay thì bị sụp lún cả phần lối đi vào nhà - cho biết: “Khi đoạn này được gia cố thấy cũng an tâm phần nào. Nhưng chưa được bao lâu lại xuất hiện sụp lún. Gần đây nhất, việc sụp lún ngày một nhiều với tốc độ nhanh, hiện nay đã lún so với mặt đường là gần 1 m”.

Bà Thiệp chia sẻ thêm, ngoài việc mất cả lối đi, nhà có 2 cháu nhỏ nên mỗi tối gia đình phải xin tá túc nhà hàng xóm để tránh trường hợp sạt lở như lần trước.

Đang tìm nguyên nhân

Đoạn đê bao được từng được gia cố bị lún thêm khoảng 700 - 1.000cm. Mất lối đi vào nhà hộ bà Đinh Thị Thiệp . Ảnh: Hoàng Lộc

Ngày 14.6, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Võ Trung Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Long Hồ thông tin về tình hình sạt lở trên địa bàn huyện còn diễn biến phức tạp, tại một số xã đã có xuất hiện tình trạng sạt lở, làm ảnh hưởng đến một số nhà dân, một số tuyền đường bị sạt lở ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế của địa phương.

Theo ông Sơn, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các cấp, quan tâm sát sao tình hình sạt lở tại các điểm này để có hướng di dời tài sản, đảm bảo tính mạng con người. Riêng địa bàn xã Phú Đức trước đây có một số công trình đã tiến hành gia cố, cụ thể tại ấp Phú Thạnh do nền đất yếu nên tiếp tục nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn báo cáo về các ngành chức năng của tỉnh để phối hợp khảo sát hiện trạng tìm nguyên nhân cụ thể, để có giải pháp phù hợp kịp thời.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, phần kinh phí thực hiện gia cố các đoạn từng sạt lở, mới sạt lở và có dấu hiệu sạt lở đang được UBND huyện cùng các ngành chức năng tỉnh khảo sát lập dự toán, phương án để khắc phục, sớm trình cơ quan có thẩm quyền để có nguồn kinh phí thực hiện gia cố các đoạn này.

Trước mắt, UBND huyện cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện công tác xã hội hóa đảm bảo cuộc sống cho người dân gặp khó về nhà ở sau sạt lở.

Hiện nay trên địa bàn huyện Long Hồ có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng đang trong giai đoạn khắc phục, gia cố ở Sông Cổ Chiên (xã Hòa Ninh), sông Cái Cao (xã Phú Đức), sông Long Hồ (xã Long Phước). Cũng tại sông Cái Cao có 2 điểm có nguy cơ sạt lở cao tại ấp Phú Thạnh và ấp Phú An, xã Phú Đức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn