MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng y tế huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông tiêm vaccine phòng bạch hầu cho người dân. Ảnh: Bảo Trung

Vẫn chưa thể dập tắt dứt điểm các ổ dịch bạch hầu ở Tây Nguyên

BẢO TRUNG LDO | 15/09/2020 07:03
Toàn vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn một số ổ dịch bạch hầu chưa được dập tắt triệt để. Các tỉnh trong vùng cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng bạch hầu cho người dân, ưu tiên bà con sống ở các huyện, thành phố đã xuất hiện ca mắc bệnh. Qua đó, hướng đến mục tiêu từ đây đến cuối năm 2020, Tây Nguyên về cơ bản dập tắt được dịch bạch hầu, phủ sóng hệ miễn dịch cộng đồng...

Còn ổ dịch trong khu dân cư

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng cho biết, tỉnh vừa có một học sinh lớp 12 ở xã Đạ M’Rông (huyện Đam Rông) mắc bạch hầu. Lực lượng y tế địa phương đã nhanh chóng tiến hành điều tra dịch tễ, lên danh sách 11 người tiếp xúc gần gồm bố mẹ, hai em ruột của bệnh nhân và 7 nhân viên y tế trong khu vực. Đây là ca bệnh bạch hầu thứ hai ở Lâm Đồng.

Đầu tháng 9, Gia Lai cũng phát hiện thêm 3 ca nhiễm bạch hầu mới ở huyện Chư Păh. Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, cả 3 bệnh nhân đều có kết quả dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Gia Lai đã phối hợp với công an, dân quân tự vệ huyện thành lập các chốt kiểm soát tại các ổ dịch. Lực lượng chức năng tổ chức phun hoá chất khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân và các hộ dân xung quanh, đồng thời tổ chức khám sàng lọc để cách ly, điều trị dự phòng những trường hợp tiếp xúc gần.

Riêng tại Đắk Lắk, ngành Y tế tỉnh này vẫn đang khá vất vả để dập tắt một số ổ dịch ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Theo CDC Đắk Lắk, toàn tỉnh đã có đến 44 ca mắc bạch hầu phân bố ở khắp 15 xã thuộc 6 huyện, thành phố (1 ca ở TP.Buôn Ma Thuột). Các ổ dịch khó kiểm soát nhất tập trung chủ yếu ở các huyện M’Đrắk, Krông Bông. Đáng chú ý, sau khi lực lượng y tế TP.Buôn Ma Thuột ghi nhận ca mắc bạch hầu đầu tiên ở xã Cư Êbur, đã qua nhiều ngày chưa phát hiện người mắc mới.

Hiện, toàn vùng Tây Nguyên chỉ có 2 tỉnh Đắk Nông và Kon Tum về cơ bản đã kiểm soát được dịch bạch hầu. Ông Võ Văn Thanh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum - cho hay, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 32 ổ dịch bạch hầu, hiện có 31 ổ dịch đã qua 14 ngày không xuất hiện ca bệnh bạch hầu mới. Đây là tín hiệu đáng mừng và cho thấy, việc tiêm chủng vaccine đã tạo nên bước chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Kon Tum có 48 trường hợp dương tính bạch hầu tại 5 huyện/thành phố, cao hơn tổng số ca dương tính trong giai đoạn 2016 đến 2019.

Đắk Nông là địa phương đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên phát hiện các ca bệnh bạch hầu. Trong số 39 ca mắc bệnh, có 2 ca tử vong. Đến nay, ngành Y tế tỉnh này đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, gần 1 tháng qua không phát sinh thêm ca mắc mới. Đắk Nông cũng dự kiến sẽ tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho hơn 660.000 người từ 2 tháng tuổi trở lên.

Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho dân

Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đặt mục tiêu từ đây đến cuối năm phải nỗ lực dập tắt hoàn toàn dịch bạch hầu. Dù ngành Y tế các địa phương đã dập tắt được một loạt ổ dịch lớn nhưng rồi nguy cơ bà con mắc bệnh vẫn còn cao nhất là đối với những người lớn tuổi chưa được tiêm vaccine phòng bệnh trước đó, hệ miễn dịch kém. Bên cạnh đó, đặc thù địa hình khu vực nhiều núi non, đường xá đi lại khó khăn cách trở nên ngành Y tế các tỉnh cần ưu tiên tiêm chủng trước cho người dân những ‘’vùng lõm’’.

Sở Y tế Đắk Lắk đã nhận hơn 110.000 liều vaccine Td từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để tiêm phòng cho người dân ở các xã xuất hiện ổ dịch. Ông Trịnh Quang Trí - Phó Giám đốc phụ trách (CDC) Đắk Lắk - nói rằng, tỉnh đang triển khai tiêm vaccine phòng bạch hầu trong toàn dân. Theo đó, lực lượng y tế ưu tiên tiêm chủng trước cho người dân ở các huyện Lắk, M’Đrắk, Krông Bông.

Kon Tum là tỉnh miền núi, đặc thù địa phương có tỉ lệ người dân tộc thiểu số lớn nên chính quyền và ngành Y tế đã truyền thông việc tiêm chủng bằng cách treo các pano áp phích bằng tiếng đồng bào để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin. Trong quần thể cư dân, một bộ phận người lớn tuổi không có miễn dịch với bạch hầu nên vẫn có nguy cơ tiếp tục xuất hiện ca bệnh mới, ông Thanh bày tỏ.

Ông Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên - nhận định, trong kế hoạch tiêm chủng 10 triệu liều vaccine phòng bạch hầu của Bộ Y tế ở Tây Nguyên sẽ có 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 2 của chiến dịch, đơn vị sẽ triển khai trên 3 triệu liều cho các tỉnh triển khai tiêm chủng cho bà con ở những huyện, thành phố có ca bệnh. Giai đoạn 3 sẽ cấp tiếp 6 triệu liều cho những đối tượng còn lại. Chỉ khi các tỉnh trong vùng hoàn tất chiến dịch tiêm chủng cho người dân, phủ sóng được miễn dịch cộng đồng, lúc đó, dịch bạch hầu mới được dập tắt gần như cơ bản.

Xử phạt hành chính người tiêm vaccine không rõ nguồn gốc. UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà V.T.C.H (sinh năm 1982, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cư Jút, Đắk Nông) 30 triệu đồng. Theo đó, bà H bị xử phạt do có 2 vi phạm là “Sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế tại cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật” và “Không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn theo quy định của pháp luật”. Trước đó, bà H đã tiêm tổng cộng cho 36 người dân sinh sống tại thôn 8 (xã Cư Êbur), thu tiền 90.000 đồng/người. Tại thời điểm làm việc với cơ quan chức năng, bà H không xuất trình được giấy phép, chứng chỉ hành nghề cũng như hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số vaccine.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn