MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vấn đề quản lý các OTT vẫn đang gây tranh cãi. Ảnh: Hữu Chánh

Vẫn còn băn khoăn chuyện thu phí Zalo, Messenger, Viber…

Minh Quang LDO | 14/04/2023 07:37

Các OTT ngày một giàu lên, còn các nhà mạng đang nghèo đi. Trong khi các nhà mạng phải đầu tư hạ tầng internet thì các OTT hiện nay chưa có trách nhiệm với việc này. Vì thế Luật Viễn thông (sửa đổi) đang tính đến chuyện phải thu phí đối với các OTT mà nổi bật là các ứng dụng Zalo, Messenger, Viber, Telegram…

Các OTT “nấu cháo” trên lưng nhà mạng?

OTT viễn thông có chức năng hội thoại, họp trực tuyến, trao đổi trực tuyến, tin nhắn điển hình như những ứng dụng Zalo, Viber, Messenger, WhatsApp …

Đa phần OTT ở dạng miễn phí (tải về, cài đặt và sử dụng). Nhà phát hành không thu tiền từ quá trình sử dụng các dịch vụ thông thường trên ứng dụng. Chính việc được sử dụng miễn phí và vượt trội so với các dịch vụ viễn thông cơ bản như gọi điện, tin nhắn mà các OTT phát triển như vũ bão.

Tại diễn đàn Quốc hội, khi bàn về Luật Viễn thông sửa đổi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: Trước đây, cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng viễn thông. Quản lý doanh nghiệp hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông. Nhưng ngày nay, trên nền internet có thể cung cấp được các dịch vụ viễn thông cơ bản.

Vậy cung cấp dịch vụ viễn thông mà không cần hạ tầng mạng, thậm chí có thể cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới, vì các công ty cung cấp dịch vụ này không có hạ tầng mạng nên không bị quản lý. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây 90% dung lượng mạng lưới do nhà mạng đầu tư là để cung cấp các dịch vụ viễn thông và nhà mạng thu tiền từ các dịch vụ viễn thông này để trang trải đầu tư. Nhưng ngày nay thì 90% dung lượng mạng lưới của nhà mạng là để phục vụ các dịch vụ của các công ty OTT, tức là các công ty cung cấp dịch vụ chạy trên mạng viễn thông. 

“Các Công ty OTT này thu được rất nhiều tiền nhưng nhà mạng đảm bảo hạ tầng mạng thì lại không thu được bao nhiêu. Vậy làm cách nào để phát triển hạ tầng mạng khi các OTT ngày một giàu lên, còn các nhà mạng đang nghèo đi” - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông lý giải. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, dịch vụ OTT viễn thông về bản chất là dịch vụ sử dụng mạng viễn thông để cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin. Dịch vụ này hoạt động trên nền tảng Internet mở; người dùng dịch vụ có thể tự do sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng hoặc tùy ý thay đổi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mà không phải cần sự đồng ý của nhà cung cấp dịch vụ và không mất chi phí.

Các đặc điểm này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ OTT phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia bao gồm cả thị trường Việt Nam. 

Ông Lê Quang Huy nhấn mạnh, quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số mà Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy. Vì vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí dịch vụ OTT cần được quản lý theo cách thức phù hợp.

Đầu tháng 4, tại phiên họp giao ban quý I/2023 của Bộ TTTT, vấn đề về trách nhiệm của các OTT trong việc chia sẻ đầu tư hạ tầng viễn thông cũng đã được đề cập.

Ông Cao Anh Sơn - Tổng Giám đốc Viettel Telecom - cho biết: Đang có sự dịch chuyển từ dịch vụ thoại và nhắn tin truyền thống sang các dịch vụ OTT. Trong khi các doanh nghiệp viễn thông đang chứng kiến sự suy giảm lớn trong các dịch vụ như gọi điện thoại và SMS, những OTT nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, với một số OTT tăng trưởng ở mức hai con số.

“Trong sự dịch chuyển này, nhà mạng luôn đảm bảo hạ tầng cho các OTT phát triển, tuy nhiên lại không được chia sẻ về đầu tư hạ tầng. Gánh nặng cho nhà mạng trong đầu tư hạ tầng là vấn đề lớn” - ông Cao Anh Sơn nói.

Còn ông Bùi Sơn Nam - Phó Tổng Giám đốc MobiFone - bày tỏ: “Mong dự thảo luật mới của bộ có biện pháp để các nền tảng xuyên biên giới đang tận dụng hạ tầng để kinh doanh có lợi nhuận, cần có chia sẻ với nhà mạng để chúng tôi có thể tăng cường đầu tư cho hạ tầng”.
Vấn đề quản lý các OTT vẫn đang gây tranh cãi. Ảnh: Hữu Chánh 

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Ở chiều ngược lại, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  Đậu Anh Tuấn cho biết, các doanh nghiệp có khá nhiều văn bản phản ánh về việc mở rộng quy mô điều chỉnh của Luật Viễn thông với các OTT viễn thông như Zalo, Viber, hay những phần mềm họp trực tuyến như Zoom, Team, nhiều phần mềm khác nữa. 

 “Nhiều doanh nghiệp cho rằng những dịch vụ này có tính chất khác với dịch vụ viễn thông truyền thống, không sử dụng tài nguyên như ở viễn thông. Người dùng không dùng phần mềm này có thể sử dụng phần mềm khác, cho nên đặc tính cũng rất khác” - ông Tuấn thông tin.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho rằng, dịch vụ OTT hay dịch vụ viễn thông đều cung cấp các dịch vụ giống nhau. Một cái cung cấp trực tiếp qua hạ tầng mạng lưới; một cái cung cấp qua internet rồi tới hạ tầng mạng lưới chứ không phải là không cung cấp. 

“Ở đây chỉ có một nguyên tắc quản lý, 2 dịch vụ giống nhau, bất kể công nghệ nào, hạ tầng nào thì cũng phải được quản lý giống nhau. Không thể nào một dịch vụ được cung cấp trên công nghệ này, hạ tầng này thì được quản lý, còn một dịch vụ cũng như thế mà được cung cấp bằng công nghệ khác, dịch vụ khác lại không được quản lý. Đấy là vấn đề chúng tôi đề xuất đưa vào quản lý dịch vụ OTT”, Thứ trưởng Phạm Đức Long phân tích.

Đại diện Bộ TTTT phân tích:  Các nguyên tắc quản lý của OTT và cloud là đối với các dịch vụ được cung cấp giống nhau cho người sử dụng Việt Nam thì phải được đối xử như nhau, có nghĩa là trong nước như thế nào thì quốc tế cũng như thế. 

Do vậy, trong nước được yêu cầu phải có đăng ký, phải có cấp phép thì các doanh nghiệp xuyên biên giới cung cấp vào cũng phải cấp phép.

Về bản chất, việc thu phí đối với các OTT không ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng các ứng dụng. Tuy nhiên các chuyên gia viễn thông phân tích: Nếu yêu cầu các dịch vụ OTT phải trả tiền cho nhà cung cấp hạ tầng, sẽ xảy ra tình trạng phân biệt đối xử giữa các dịch vụ trên internet. Ví dụ, dịch vụ trả nhiều tiền sẽ được ưu tiên băng thông, dịch vụ không trả tiền bị đóng băng thông.

Điều này sẽ gây khó khăn cho các dịch vụ phục vụ xã hội thiết yếu, dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ đó người dùng dịch vụ và ứng dụng của các doanh nghiệp này sẽ chịu thiệt thòi. 

Cần rà soát, nghiên cứu thêm

Liên quan đến việc quản lý các OTT được đưa vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay đang có ý kiến khác nhau về chính sách kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, OTT. 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải rà soát, nghiên cứu thêm nếu đưa thỏa thuận thương mại đối với dịch vụ OTT thành một điều khoản bắt buộc và nếu như các đối tác nước ngoài không hợp tác thì cuối cùng lại thiệt thòi đến người dùng và ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số của Việt Nam, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và cũng không bảo đảm tính trung lập của doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.

Vì vậy phải tính toán về tính hợp lý, thuyết phục của việc quy định phải có thỏa thuận thương mại giữa 2 doanh nghiệp để các doanh nghiệp và chính Quốc hội yên tâm khi bấm nút thông qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn