MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vẫn còn một số bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm

NGUYỄN HỮU HUY LDO | 24/06/2020 11:01
Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TPHCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện Chương trình vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2020.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, thành phố hiện có 41.072 cơ sở thực phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành phố có 6.534/9.202 cơ sở thực phẩm được kiểm tra, thanh tra về pháp luật an toàn thực phẩm đạt yêu cầu (chiếm 71%).

Trong khi đó, có 14.391/19.446 cơ sở (đạt 74%) số hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký giấy cam kết đảm bảo ATTP.

Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký giấy cam kết đảm bảo ATTP là 39.710/41.072 cơ sở (đạt 96,6%).

Tình trạng giết mổ, kinh doanh gia cầm sống không qua kiểm dịch vẫn diễn ra ở những chợ tự phát trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Nguyễn Hữu Huy

Báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TPHCM cũng chỉ ra một số vấn đề còn bất cập, dẫn đến tình trạng vi phạm về ATTP ở một số nơi. Trong 6 tháng đầu năm, có 2.668 cơ sở vi phạm (chiếm 28,89%).

Trong số các vấn đề còn bất cập, phải kể đến quy định về kiểm soát và xử lý vi phạm đối với chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, theo quy định, để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định.

Tuy nhiên, kết quả phân tích định lượng thường mất thời gian từ 2 - 4 ngày. Trong khi hiện nay chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng, nếu kết quả dương tính khi phân tích định lượng thì lô hàng đã được phân phối, không còn tại chợ.

Hiệu quả công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc còn bị hạn chế do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hệ thống phân phối lạc hậu, vẫn còn các chợ tự phát, trôi nổi; thực phẩm chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu.

Một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn có quy mô nhỏ, mặt bằng chật hẹp, máy móc lạc hậu, trang thiết bị không đầy đủ, ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên chưa cao.

Vẫn còn tình trạng sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn