MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những di dân tự do dựng những căn chòi sống biệt lập giữa rừng sâu. Ảnh chụp tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông.

Vấn đề di cư tự do làm nóng nghị trường Quốc hội

Hữu Long LDO | 26/05/2018 16:07

Lưu dân ở các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên sinh sống nhưng không được thừa nhận, không sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… được nhiều đại biểu đặt ra.

Trong phiên thảo luận Quốc hội ngày 26.5, ông Y Biêr Niê – đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết,  Đắk Lắk có 17 dự án để sắp xếp ổn định dân di cư tự do nhưng chỉ mới triển khai được 13/17 dự án.

Đáng nói, trong 17 dự án này chưa có dự án nào hoàn thành đúng tiến độ, mục tiêu đề ra vì trung ương chưa bố trí đủ vốn để thực hiện.

“Nếu 17 dự án này hoàn thành, sẽ bố trí ổn định cho khoảng 6.527 hộ dân, tương ứng với khoảng 32.635 nhân khẩu. Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, sớm bố trí đủ vốn để triển khai thực hiện hoàn thành 17 dự án này. Để sắp xếp, giải quyết ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh”  - ông Y Biêr nói.

Vấn đề di cư tự do từng được đặt ra tại quốc hội, theo đó, ông Y Biêr cho rằng, tình trạng chung của Tây Nguyên có khả năng phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gây rất nhiều khó khăn trong việc bố trí dân cư, quản lý nhân khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng...

“Tôi đề nghị Chính phủ cần có biện pháp căn cơ, lâu dài, sửa đổi các chính sách phù hợp để giải quyết ổn thỏa vấn đề này” - ông Y Biêr kiến nghị.

Từ những vùng phía bắc khó khăn, người dân di cư vào các tỉnh Tây Nguyên với ước mơ thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vào những khu vực mới, bà con hầu như vào các rừng đặc dụng, rất đau đớn là bà con cũng phá khá nhiều rừng để làm kế sinh nhai.

“Tôi xin khẳng định trước Quốc hội là theo nhận thức của tôi thì bà con không phải là lâm tặc, chỉ vì kế sinh nhai mà phải đốt phá rừng để làm nương rẫy, trồng cà phê và cũng đóng góp một phần kinh tế xã hội cho địa phương” – ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Một thực tế được ông Lưu Bình Nhưỡng đặt ra là, hiện những lưu dân này không có giấy tờ tùy thân, không có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, không được công nhận thực sự là một người công dân.

“Trong khi đó họ là đồng bào của chúng ta, là người dân tộc thiểu số, là người già, trẻ em, phụ nữ, thậm chí là gia đình người có công. Nhiều thiết chế văn hóa và y tế không đến được với người dân, do đó người dân hết sức thiệt thòi. Quốc hội nghiên cứu và đề nghị Chính phủ có chính sách hết sức rõ ràng đầu tư cho các tỉnh này để bà con đỡ cảm thấy tủi thân, hiện nay không được học hành, mà các địa phương cũng đã có sự quan tâm nhưng không thể thấu được", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn