MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Văn hóa doanh nghiệp: Giá trị từ tài sản vô hình

Mai Hà LDO | 13/10/2019 21:00
"Văn hóa doanh nghiệp không những bao gồm các quy tắc được viết thành văn bản mà còn bao gồm những quy tắc không được viết thành văn bản. Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn và ngôn ngữ của doanh nghiệp, là hệ điều hành của doanh nghiệp, nó giải thích cho chúng ta lý do tại sao chúng ta làm những gì chúng ta đang làm. Văn hóa doanh nghiệp đã được chứng minh có tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh và tỉ lệ thuận với mức độ hài lòng khách hàng".

Văn hóa doanh nghiệp là niềm tin của khách hàng

Tháng 9 năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10.11 hằng năm là "Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam".

Tại lễ phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng đã đặt vấn đề về những thương hiệu như Toyota, Samsung, Apple tồn tại nhiều thập kỷ, trụ vững qua những giai đoạn khó khăn, đó là vì các doanh nghiệp đó có nền tảng văn hóa doanh nghiệp mạnh, thậm chí có những thương hiệu trở thành biểu tượng của một quốc gia.

"Vậy nét văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam là gì? Tôi nghĩ đó là câu hỏi mà tự mỗi doanh nghiệp sẽ có câu trả lời của mình. Nhưng tôi cho rằng, các nguyên tắc cơ bản, hay nói cách khác là những giá trị cốt lõi chính là nền tảng, là sức sống của văn hóa doanh nghiệp. Những nguyên tắc hay giá trị đó có thể là liêm chính, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy hay trách nhiệm môi trường… Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn cơ hội phát triển lớn mạnh. Đánh mất văn hóa nói chung, đánh mất văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình. Làm gì có tổn thất nào lớn hơn và khó khắc phục hơn là tổn thất đó. Ông bà mình từng nói rất đúng, đánh mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là niềm tin của khách hàng" - Thủ tướng nói.

Khi nói đến văn hóa doanh nghiệp, yếu tố thường được đề cập là “trách nhiệm xã hội”. Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp đi xây cầu, làm từ thiện, làm đường, xây trường là rất tốt, đáng biểu dương. Song đó chỉ là một phần trách nhiệm xã hội. Một trong những điều cốt yêu làm nên trách nhiệm xã hội đó là cách các doanh nhân kinh doanh, ứng xử với môi trường, với người lao động và tuân thủ pháp luật. Tất cả các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động trẻ em, đối xử bất công với người lao động, trốn thuế, chuyển giá là những doanh nghiệp “vô trách nhiệm xã hội”, sớm hay muộn cũng bị người tiêu dùng trong và ngoài nước tẩy chay.

Về những yếu tố tạo nên Văn hóa doanh nghiệp, Harvard Business Review đưa ra nhận định của Giáo sư James L. Heskett (giáo sư về Kinh doanh Logistics): “Văn hóa doanh nghiệp có thể chiếm 20 - 30% về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp".

Trong đó để đảm bảo xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, thì doanh nghiệp ấy phải có tầm nhìn, giá trị cốt lõi, xây dựng con người và có môi trường làm việc mở.

Tạp chí của ĐH Harvard nhận định: Xây dựng môi trường làm việc hiệu quả chính là xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp thành công. Trong môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp như hiện nay, bên cạnh việc sáng tạo để tìm ra những cách riêng giúp làm việc nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn thì có một cách khá tốt để xây dựng giá trị bản thân đó là hình thành những thói quen, lề lối làm việc, phương cách ứng xử cùng hành vi văn minh, lịch sự.

Những bài học từ văn hóa doanh nghiệp

“Việc xây dựng văn hóa công ty quan trọng hơn việc tạo ra một sản phẩm” - Steve Job nói. Việc mỗi sản phẩm của Apple đều thấm đẫm những giá trị văn hóa của tập đoàn này chính là yếu tố cốt lõi để chiếm lĩnh thị phần. Đã từng có những tranh luận về việc những sản phẩm của Apple mỗi khi ra đời đều được chào đón cho dù cấu hình hay các chức năng của chiếc iPhone không hẳn đã vượt trội những đối thủ.

Các chuyên gia makerting đã đưa ra giải thích rằng, bởi vì Apple đã trở thành một thương hiệu Love Marks - tình yêu không có điều kiện. Tới mức có người ví von rằng, nếu Apple tung ra thị trường cái iPhone hình… tròn thì người ta vẫn mua tấp nập.

Nói như vậy không có nghĩa là các thương hiệu khác không tạo ra được văn hóa doanh nghiệp. Nếu không có giá trị này, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ bị "bóp chết" ngay trên thị trường.

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu người tiêu dùng, diễn giả của Nielsen - cho rằng: Có thể chia 4 nhóm văn hóa doanh nghiệp gồm: Văn hóa sáng tạo, Văn hóa chiến thắng, Văn hóa hướng tới con người và Văn hóa hệ thống.

Lấy ví dụ nhóm Văn hóa sáng tạo mà điển hình là Facebook, bà Hà dẫn ra câu nói của Mark Zukerberg - nhà sáng lập Facebook: “Mọi người thường nghĩ rằng sáng tạo chỉ đơn thuần là nghĩ ra những ý tưởng hay ho, tuy nhiên thực tế là sáng tạo đồng nghĩa với việc đi thật nhanh và thử nghiệm thật nhiều thứ”.

Facebook có 5 giá trị cốt lõi đó là Táo bạo - Tập trung vào vấn đề lớn - Phát triển nhanh - Cởi mở - Xây dựng các giá trị đích thực. Đối với Mark, cần chia nhỏ việc nếu không sẽ không làm nhanh được. Với tinh thần và văn hóa sáng tạo, thử nghiệm đó đã khuyến khích nhân viên sáng tạo, học tập, tò mò, thử và không sợ làm sai.

Hay Văn hóa hướng tới con người là khi doanh nghiệp tập trung vào nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm cho nhân viên, giúp nhân viên gắn kết, vui vẻ, hạnh phúc, từ đó họ sẽ truyền tải giá trị ra bên ngoài cho khách hàng.

Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa doanh nghiệp nhận định: Văn hoá vừa là chân phanh ngăn doanh nghiệp khỏi chệch hướng, song lại vừa là chân ga, thôi thúc doanh nghiệp làm điều đúng, điều đẹp. Một doanh nghiệp thất bại thảm khốc nhất là sai lầm về chiến lược nhưng còn có thể làm lại được, song nếu sai lầm về văn hoá thì khó làm lại.

 

“Văn hóa doanh nghiệp là phần hồn của doanh nghiệp, là hệ thống các giá trị, ý nghĩa, niềm tin chủ đạo, nhận thức, phương pháp tư duy của các nhân viên trong tổ chức, quyết định đến sự thành bại về lâu dài của doanh nghiệp. Việc xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả nhân viên, hướng mọi thành viên tới mục tiêu chung của tổ chức, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết, tạo động lực cho nhân viên, là nam châm thu hút nhân tài, cũng như tạo dựng cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh bền vững” (Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn