MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe máy cũ nát là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Ảnh: Hải Nguyễn

Vẫn khó thu hồi, tái chế ôtô, xe máy cũ nát

Nguyễn Hà - Hải Danh LDO | 08/01/2024 06:35

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, từ 1.1.2027, nhà sản xuất, nhập khẩu ôtô xe máy phải có trách nhiệm tái chế. Thực tế hiện nay nhiều phương tiện xe cũ nát vẫn được lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường, tuy nhiên để thu hồi, tái chế ôtô, xe máy cũ nát sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Phương tiện không chỉ để tham gia giao thông mà còn là cần câu cơm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có nhiều xe máy cũ nát không biển số, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không gương... vẫn hằng ngày lưu thông trên đường, nhả khói đen kịt, kèm theo tiếng động cơ nổ đinh tai nhức óc… Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh với những người tham gia giao thông.

Nhiều xe máy cũ cũng được trưng dụng để chở hàng, chúng được sử dụng trong thời gian dài, rệu rã, hư hỏng vô số bộ phận và được “độ” thêm các giá đỡ hàng.

Theo tìm hiểu, nhiều người sử dụng phương tiện xe máy cũ nát có hoàn cảnh khó khăn, họ lựa chọn phương tiện mất an toàn này để di chuyển và hoạt động kinh doanh, buôn bán.

Một tuần bảy ngày đều đặn, vợ chồng anh Văn Thành (quê Hưng Lộc, Nghệ An) đều chở rau, hoa quả từ ngoại thành Hà Nội vào quận Cầu Giấy để bán. Phương tiện chở hàng của anh chị chính là chiếc xe Honda Cub cũ được gia cố thêm sắt, thép để tăng tải trọng.

Anh Thành tâm sự: “Nếu không chở bằng xe máy thì cũng chẳng biết vận chuyển hàng bằng phương tiện nào”.

Về vấn đề này, chị Mỹ Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Hầu hết xe cũ nát hiện nay đều thuộc sở hữu của người có thu nhập thấp. Đối với họ, đây không chỉ là phương tiện tham gia giao thông mà còn là cần câu cơm.

Tuy nhiên, phương tiện này không chỉ gây mất an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn mà còn phát tán lượng lớn khí thải làm gia tăng ô nhiễm môi trường”.

Sử dụng càng lâu, đóng thuế càng nhiều để khuyến khích tái chế ôtô, xe máy cũ

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, lượng tái chế ôtô, xe máy ở Việt Nam tương đối thấp, vì ôtô, xe máy ở Việt Nam thường được sử dụng đi sử dụng lại nhiều, đến khi nát ra thì về các nơi tái chế không có quy mô, không có công nghệ cao để bảo vệ môi trường.

Nguyên ngân là do hoạt động thu gom ở Việt Nam hiện nay tự phát rất nhiều, nó theo nhu cầu của thị trường, cơ sở nào có nhu cầu về việc thu gom thì tự mở hệ thống. Thêm nữa, công nghệ tái chế ở Việt Nam còn thấp, nhỏ lẻ, chưa có khả năng thu gom, xử lý ôtô, xe máy cũ.

Cùng với đó, những ôtô xe máy vi phạm giao thông hiện nay rất nhiều ở các bãi mà chúng ta chưa có cơ chế để giải phóng nó, để cho phép cơ quan Nhà nước mang đi thanh lý, bán đấu giá hoặc mang đi tháo dỡ, tái chế.

Theo ông Thi, để từ 1.1.2027 việc tái chế ôtô, xe máy có hiệu quả, ngoài cơ chế, chính sách cần cả một hệ thống pháp luật về thuế, phí để thứ nhất giảm được giá trị của ôtô, xe máy khi mua, việc nộp thuế là của cả quá trình sử dụng ôtô xe máy.

Ở Việt Nam hiện nay thuế với ôtô xe máy chỉ ở giai đoạn khi mua, việc sử dụng sau đó không cần đóng thuế. Do đó, thay vì đóng thuế ngay từ đầu, có thể rải ra đóng thuế trong quá trình sử dụng, sử dụng càng lâu, càng cũ nát thì phải đóng thuế càng nhiều, khi đó mới khuyến khích mang ôtô xe máy cũ nát đi thải bỏ. Ngoài ra cần giảm giá ôtô đầu vào.

“Thứ hai, cần có quy định hỗ trợ hoạt động mang đến thải bỏ, hỗ trợ hệ thống thu gom tái chế và hỗ trợ chính sách để hình thành các hệ thống tái chế của ôtô xe máy. Giúp đơn vị tháo dỡ ôtô, xe máy phải có thẩm quyền. Ví dụ thực hiện xã hội hoá hoạt động đăng kiểm, có thể cho phép họ phối hợp với cơ quan công an trong việc xác nhận một ôtô, xe máy nào đó chấm dứt sử dụng để hủy đăng ký. Khi đó mới dễ dàng thực hiện việc tái chế, xử lý” - ông Thi cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn