MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Vành đai 4 giúp giảm ùn tắc cho TPHCM và liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Minh Quân

Vẫn loay hoay phương án đầu tư Vành đai 4 TPHCM

MINH QUÂN LDO | 21/02/2024 06:39

Với tổng chiều dài gần 200km đi qua 5 tỉnh, thành, Vành đai 4 TPHCM là dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò quan trọng đột phá hạ tầng liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên đến nay, các địa phương liên quan vẫn chưa thống nhất được phương án đầu tư.

Nghiên cứu 2 phương án đầu tư

Vành đai 4 dài gần 200km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và Long An.

Tháng 9.2021, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đầu tư dự án Vành đai 4 TPHCM theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, dự án Vành đai 4 TPHCM có tổng mức đầu tư khoảng 105.028 tỉ đồng. Trong đó, phần qua Long An dài hơn 78km (tổng mức đầu tư khoảng 47.068 tỉ đồng), Bình Dương 47,5km (khoảng 18.993 tỉ đồng), Đồng Nai 45,6km (khoảng 17.300 tỉ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1km (khoảng 8.100 tỉ đồng), TPHCM khoảng 17,3km (khoảng 14.502 tỉ đồng).

Trên cơ sở cuộc họp ngày 23.1.2024 giữa Bộ GTVT và UBND các địa phương liên quan, Sở GTVT TPHCM đã phối hợp Sở GTVT các địa phương nghiên cứu sơ bộ 2 phương án đầu tư Vành đai 4 TPHCM.

Phương án 1 là các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn Vành đai 4 TPHCM đi qua địa bàn của mình. Phương án 2, các địa phương gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn chủ động triển khai các đoạn của dự án (do các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh, thành phố).

Riêng đoạn trên địa bàn tỉnh Long An tổng vốn đầu tư lên tới 47.068 tỉ đồng nên là dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Hiện tỉnh Long An gặp khó khăn về nguồn vốn ngân sách cân đối cho dự án, các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch và tổ chức thực hiện khó khăn (do dự án quy mô lớn).

Do đó, trong thời gian tới, Sở GTVT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM và các tỉnh sớm tổ chức hội nghị để thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến Hội đồng Vùng Đông Nam Bộ. Sau đó trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương báo cáo Quốc hội xem xét chấp thuận cho phép áp dụng một số chính sách đặc thù làm dự án Vành đai 4 như: tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án; cơ quan chủ quản đầu tư dự án; cơ quan chủ trì thống nhất quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật chung của dự án đảm bảo đồng bộ.

Hướng tuyến của Vành đai 4 TPHCM. Đồ họa: Sở GTVT TPHCM

Thách thức khởi công năm 2025

Theo kế hoạch, quý IV năm nay báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TPHCM sẽ được hoàn tất làm cơ sở trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương.

Sau khi lựa chọn nhà đầu tư, công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành thông xe năm 2028.

PGS-TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển GTVT Việt Ðức - cho rằng, dự án Vành đai 4 đang gặp nhiều thách thức như: nguồn vốn chưa thu xếp được; mô hình PPP hiện tiềm ẩn nhiều vấn đề rủi ro khiến nhà đầu tư e ngại; vốn ngân sách Nhà nước thì hạn hẹp.

Theo ông Tuấn, để triển khai các dự án PPP thì phải thành lập các ban quản lý dự án và phải làm nhiều nghiên cứu, quy trình kêu gọi nhà đầu tư, làm các thủ tục pháp lý khá phức tạp và mất thời gian. Do đó, nếu Chính phủ không nhanh chóng có phương án hợp lý, Vành đai 4 TPHCM có thể mất thêm vài năm nữa mới có thể tiến hành công tác chuẩn bị.

Ông Tuấn đề xuất, Chính phủ có thể giao cho TPHCM với vai trò "đầu tàu" trong phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để làm cơ quan điều phối vùng đối với các dự án hạ tầng mang tính chiến lược như Vành đai 4. Lựa chọn thứ 2 là Chính phủ giao cho một bộ đóng vai trò là cơ quan quản lý các hạ tầng cấp vùng, cấp quốc gia, ở đây là Bộ GTVT. Lựa chọn thứ 3 trong trường hợp cấp bách, Chính phủ có thể thành lập một Ban hoặc Hội đồng chuyên trách quản lý việc phát triển hạ tầng cho một vùng quan trọng.

Theo Sở GTVT TPHCM, chi phí giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 TPHCM khoảng 46.236 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng mức đầu tư các dự án. Để đảm bảo tính khả thi, các địa phương đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn