MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chủ vườn cam ở Hòa Bình bất an với tình trạng kích điện giun đất. Ảnh: Bảo Nguyên

Vấn nạn kích điện bắt giun đất lan sang nhiều tỉnh Tây Bắc

Nhóm Phóng Viên LDO | 29/08/2023 07:00

Sau Hòa Bình, tại nhiều tỉnh Tây Bắc cũng xuất hiện tình trạng người dân sử dụng máy kích điện bắt giun đất để chế biến và bán cho thương lái nước ngoài. Chính quyền địa phương cảnh báo đây là hoạt động gây thiệt hại nặng cho người nông dân.

Vùng cao nhức nhối vì “giun tặc”

Trong thời gian vừa qua, vùng cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình là điểm nóng của nạn kích giun, đất vườn bị cày nát, cây cối bị phá khiến nông dân hết sức lo lắng. Người dân cho biết, họ không đủ sức để đứng ra ngăn chặn, trông coi những khu vườn rộng lớn, thậm chí còn bị đe dọa khi ngăn cản những kẻ “giun tặc” táo tợn.

Theo thượng tá Lã Thanh Nghiêm, Phó trưởng Công an huyện Cao Phong, từ năm 2019 tới nay, công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phát hiện 67 vụ/65 đối tượng có hành vi kích giun, thu giữ 78 máy kích giun nhưng tình trạng này chưa thuyên giảm. Vấn nạn nhức nhối trên còn lan rộng sang nhiều tỉnh Tây Bắc.

Theo thông tin từ ông Đặng Văn Hồng (trú tại xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, Lai Châu), vườn chuối rộng khoảng 10ha của gia đình ông vừa bị 3 người phụ nữ vào kích điện bắt giun. Khi ông phát hiện và ngăn cản thì họ cho rằng, không có luật cấm.

Chỉ khi ông Hồng báo công an xã tới, 3 người phụ nữ này mới bỏ chạy, để lại kích điện. Sau đó, Công an thu kích điện đưa về xã nhưng chỉ vài tiếng sau, 3 người phụ nữ này cùng người thân đến xã yêu cầu trả lại với lý lẽ công an không có quyền thu của họ...

Tại Lào Cai, qua kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng huyện Si Ma Cai đã thu giữ một số máy kích giun không rõ nguồn gốc, gắn tem mác nước ngoài. Tuy nhiên vì chưa có chế tài xử phạt nên mới chỉ dừng lại ở việc thu giữ để răn đe.
Mới đây lực lượng công an xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cũng tạm giữ 2 bộ kích điện của 2 đối tượng khi đang kích giun đất trên cánh đồng lúa của bản Nhọt. Toàn bộ máy kích có chữ in bằng tiếng nước ngoài, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, công suất thiết kế từ 68.000W đến 100.000W. Công suất này có thể gây tử vong cho người.

Trong khi đó, Sở NNPTNT Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thị, thành phố thực hiện kiểm tra, đánh giá việc ảnh hưởng tới môi trường đất trồng trọt, cũng như có các biện pháp xử lý, ngăn chặn, do đó hiện tượng người dân dùng kích điện bắt giun đất đã tạm thời lắng xuống.

Qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn đã xảy ra tình trạng sử dụng kích điện đánh bắt giun đất và sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất tại 6 huyện, thị, thành phố gồm: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ. Toàn tỉnh Yên Bái có trên 100 bộ kích điện để đánh bắt giun đất, có 19 cơ sở, hộ sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất.

Bất chấp hệ lụy

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Đặng Hữu Dũng (xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho biết, một ngày cơ sở sơ chế từ 40 - 50kg giun tươi, cứ 12kg giun tươi sẽ sấy được 1kg giun khô.

Nguồn giun đất chủ yếu được nuôi trên diện tích đất của gia đình và một phần thu mua của người dân với giá 30.000 - 50.000 đồng/kg. Sau đó, thương lái ở Tuyên Quang và Vĩnh Phúc sẽ tới tận nhà thu mua với giá 600.000 đồng/kg giun khô. Ông Dũng cũng tiết lộ, giun sấy khô sẽ được bán sang Trung Quốc để làm một vị thuốc trong Đông y.

Trong khi đó, theo người dân xã Suối Bau, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, gần đây có 1 số thương lái của các địa phương khác mang máy kích giun vào cho bà con sử dụng mà không phải trả tiền trước. Sau đó khi kích được giun sẽ bán cho các thương lái đó nên họ rủ nhau làm “giun tặc” bất chấp những hệ lụy về sau như hủy hoại môi trường, đất đai, vi sinh vật.

Theo các chủ vườn cam ở Cao Phong (Hòa Bình) đầu tư vào vườn từ vài trăm triệu cho tới tiền tỉ, ngóng chờ ngày cây ra trái cho thu hoạch đã gửi đơn cầu cứu tới chính quyền địa phương xử lý vấn nạn này.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - thừa nhận, việc kích vào đất dòng điện lớn sẽ khiến giun chết, gây tác hại cho đất, hệ động vật và vi sinh vật, khiến cây trồng bị vàng lá. Thế nên, đơn vị này và các địa phương đang tìm cách xử lý.

Hiện Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Tây Bắc tăng cường kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn