MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vận tải công cộng phải là xương sống của giao thông đô thị 

Đình Trường LDO | 26/11/2022 19:50

Vận tải hành khách công cộng có vai trò hết sức quan trọng đối với giao thông đô thị. Trong bối cảnh mật độ dân cư ngày càng tăng, loại hình vận tải này được đánh giá như “xương sống”, là lựa chọn hàng đầu đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. 

Xe buýt trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hoa Lệ
Thay đổi thói quen đi lại của người dân

Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro, tính đến hết ngày 4.10, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được 6.430.177 hành khách. Đặc biệt, từ đầu tháng 10 khi sinh viên nhập học, lượng khách tăng hơn so với tháng 9 là 15%, thậm chí ngày 4.10 đạt được kỷ lục vận chuyển 31.537 hành khách.

Trong đó, 70% là những hành khách sử dụng thường xuyên bằng vé tháng đi học, đi làm. Lưu lượng giờ cao điểm hiện nay đạt 5.000 - 6.000 hành khách. Việc đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen của người dân, từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại.

Chị Trương Thị Minh Huyền - Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có hơn 10.000 sinh viên đang theo học tại nhiều ngành, nghề khác nhau; trong đó có khoảng hơn 6.000 sinh viên đang theo học trực tiếp tại các cơ sở chính của trường tại Hà Nội. Trong đó, số lượng sinh viên tham gia vận tải hành khách công cộng chiếm 1/3 tổng số lượng, tương đương với 2.000 sinh viên.

Ưu điểm đầu tiên là xe buýt giúp tiết kiệm một chi phí rất lớn khi giá tháng vé liên tuyến là 100.000 đồng/tháng; một chuyến là 55.000 đồng không kể số lượng chuyến đi - đây là một con số cực kỳ ấn tượng và còn có ưu đãi, hỗ trợ cho sinh viên nếu so với sử dụng các phương tiện xe máy và ôtô. Vấn đề thứ 2 là sức khoẻ, sẽ được cải thiện khi ít hít phải khói bụi ô nhiễm nhiều hơn.

Theo ông Trường, hiện nhiều người đánh đồng vận tải hành khách công cộng và vận tải hành khách liên tỉnh. Vận tải hành khách công cộng được hiểu là phục vụ đám đông đi lại thường xuyên trong đô thị và các vùng lân cận với nhu cầu lên xuống liên tục.

Do đó, phải có chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng. Đồng thời, việc tăng cường kết nối hệ thống xe buýt công cộng và xây dựng văn hóa tham gia giao thông công cộng ngay từ đầu, khai thác tối đa tiềm năng thương mại tuyến, tập trung dịch vụ thương mại cho hành khách là hết sức cần thiết.

Xây dựng văn hóa giao thông

Hiện nay, mạng lưới vận tải hành khách công cộng có khả năng cung cấp 31% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Trong năm nay, theo yêu cầu của HĐND TP.Hà Nội, lượng hành khách sử dụng xe buýt sẽ rơi vào khoảng 23%.

Theo ông Vũ Hồng Trường, để xây dựng văn hóa trong việc sử dụng các loại phương tiện vận tải công cộng, đầu tiên phải xây dựng văn hóa cho chính đội ngũ phục vụ. Từ những hành động của nhân viên sẽ nêu gương cho hành khách đi tàu, dần xây dựng thói quen văn minh, lịch sự khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Bên cạnh đó, đơn vị vận hành xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho hành khách đi tàu như không xả rác, nhường chỗ cho người già, nếu có vi phạm và những hành động quá lố sẽ mời cơ quan chức năng xử lý...

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết đơn vị đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng vận tải của xe buýt, đặc biệt là thái độ phục vụ của lái, phụ xe.

Cùng với sự thay đổi của đơn vị quản lý xe buýt, phía Trung tâm mong muốn người dân cũng chia sẻ với những khó khăn, áp lực mà hệ thống vận tải xe buýt phải đối mặt. Để nâng cao chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt cần rất nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tuyên tuyền, truyền thông để người dân thay đổi thói quen, sử dụng vận tải công cộng.

Khi mỗi người dân dần thay đổi thói quen, ưu tiên sử dụng vận tải công cộng, trở thành những hành khách văn minh sẽ là điều kiện nền tảng để đẩy mạnh hơn nữa giao thông vận tải an toàn, tiện lợi, hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn