MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) thưa vắng khách. Ảnh: ĐT

Vận tải hành khách chật vật duy trì hoạt động

Đặng Tiến LDO | 25/02/2021 06:41

Dịch COVID-19 tái bùng phát đẩy nhiều doanh nghiệp vận tải vào tình trạng khốn đốn, đặc biệt với nhiều doanh nghiệp đang hoạt động dựa chủ yếu vào nguồn vốn vay ngân hàng. Để trụ vững trước tác động của dịch bệnh, ngoài nỗ lực bản thân, các doanh nghiệp đang rất cần các giải pháp hỗ trợ thiết thực về nguồn vốn, lãi suất ngân hàng…

Hàng không lao dốc

Các hãng bay Việt đã lên kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khá lạc quan với dự kiến sản lượng vận chuyển dự tính tăng 10% so cùng kỳ năm 2020, đạt khoảng 7,5 triệu khách trong tháng cao điểm Tết. Nhưng kế hoạch sụp đổ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, với tình hình diễn biến của dịch bệnh hiện nay khi các đường bay quốc tế chưa thể mở cửa, vấn đề sống còn của hàng không Việt là phải duy trì được thị trường nội địa.

Theo thống kê, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 10.2.2021 - 16.2.2021), tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam chỉ đạt 9.500 lần hạ cất cánh (giảm tới 43,4%); đạt hơn 815.000 hành khách (giảm 66,6%); 14.000 tấn hàng hóa (tăng 3,3% so với cùng kỳ). So với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020, các hãng hàng không Việt chỉ vận chuyển được 408.000 khách (giảm gần 65%) và 2.000 tấn hàng hóa (giảm hơn 54%)...

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, kịch bản lạc quan nhất, phải đến năm 2023 Vietnam Airlines mới có thể có lãi trở lại.

Đường sắt, đường bộ sống chung với dịch

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu hành khách đi lại sau Tết Nguyên đán trên tuyến Bắc - Nam giảm mạnh, ngành đường sắt buộc phải tiếp tục cắt giảm nhiều đoàn tàu Thống Nhất chạy hằng ngày và nhiều mác tàu khu đoạn.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Trần Thiện Cảnh, dù gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh phức tạp, lượng hành khách có nhu cầu trả vé tăng cao khiến ngành đường sắt gặp không ít khó khăn, song VNR vẫn duy trì chạy tàu trên các tuyến, đưa người dân về quê đón Tết an toàn. Đồng thời triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hướng tới khách hàng…

Theo các nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại, hiện các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đều kiểm soát rất chặt xe chở khách ra vào tỉnh. Cụ thể tại Quảng Ninh, tất cả các xe chở khách đến trạm cầu Bạch Đằng là phải dừng xe không được chạy vào sâu Thành phố Hạ Long. Cùng đó, do lượng khách đi lại cũng giảm sâu (khoảng trên 60%) nên một số nhà xe tư nhân phải dừng hoạt động 100% số xe. Thực tế này dẫn đến hoạt động kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, lái xe không có việc làm. Để đảm bảo đời sống cho người lao động, doanh nghiệp buộc phải huy động các nguồn vốn để trả lương và đóng BHXH cho người lao động.

Theo đại diện hãng xe Đất Cảng (tuyến Hà Nội - Hải Phòng), khi dịch bùng phát tại Hải Dương, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh, cùng đó có yêu cầu không dừng đón trả khách tại Hải Dương, khiến lượng khách giảm mạnh, hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh của tuyến này tê liệt, hầu như không hoạt động gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, khiến nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào phòng chống dịch chứ chưa nghĩ đến việc phục hồi hoạt động vận tải khách. Do đó, doanh nghiệp phải huy động tất cả các nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng - ông Khúc Hữu Thanh Hải, cơ cấu vốn của các doanh nghiệp vận tải đa phần là vốn vay tín dụng ngân hàng, do đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng xem xét mức giảm mức lãi suất (hiện mức lãi suất huy động của ngân hàng thì thấp nhưng cho vay lại cao). Nên giảm thuế VAT cho doanh nghiệp, VAT đầu ra và đầu vào của phương tiện, thuế trước bạ… Cùng với đó, nên kéo dài niên hạn sử dụng cho phương tiện vì 2 năm qua nhiều phương tiện “đắp chiếu” vì nhiều xe đang hoạt động nhưng đến nay không hoạt động mà phải loại bỏ, vừa lãng phí vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện, vốn vay hoạt động của doanh nghiệp chiếm trên 80%, nguồn tiền để trả lãi vay và gốc sẽ căn cứ vào nguồn tiền thu hằng tháng. Nhưng hiện nay, do không thể kinh doanh nên doanh nghiệp không có nguồn chi trả. Ngoài một số ngân hàng tích cực hỗ trợ, vẫn có một số ngân hàng chưa nhìn khách quan, đầy đủ thực tế hoạt động của doanh nghiệp nên đang từ chối gia hạn. Do đó, rất mong Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng chung tay với doanh nghiệp vận tải để tháo gỡ khó khăn.

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT - ông Đỗ Nga Việt - hiện phần lớn các doanh nghiệp vận tải đã có những chính sách hỗ trợ người lao động; trong văn bản chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN cũng nêu rõ, những doanh nghiệp khó khăn sẽ không phải nộp kinh phí, đoàn phí công đoàn. Cùng với đó, công đoàn ngành cũng đã bám sát những khó khăn của các đơn vị để xây dựng các văn bản chính sách hỗ trợ từ những đơn vị tuyến đầu chống COVID-19 cho đến những đơn vị khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải hàng hóa, trong văn bản gửi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã kiến nghị UBND Thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương lựa chọn địa điểm đủ điều kiện làm nơi xử lý các biện pháp phòng chống dịch đối với lái xe, xe và hàng hóa; thực hiện việc đổi lái xe đủ điều kiện để điều khiển phương tiện vào địa bàn. Đối với xe vận tải hàng xuất nhập khẩu vào các cảng của Hải Phòng, cần có quy định hành lang lưu thông của phương tiện; đăng ký danh sách lái xe đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mới được điều khiển phương tiện. Lái xe nếu ở lại Hải Phòng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, ăn uống, nghỉ ngơi tại nơi có đủ điều kiện phòng chống dịch. Cùng đó, Bộ GTVT cũng vừa có văn bản gửi UBND Thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương và sở GTVT của hai tỉnh này liên quan việc đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn phòng chống dịch COVID-19. Đ.T

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn