MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vận tải hành khách vẫn "nửa kín, nửa hở"

Nhóm PV LDO | 01/10/2021 17:21

Dù đã có hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương vẫn đang quy định rất khác nhau về điều kiện vận tải hành khách và không ít địa phương vẫn chưa cho phép lưu thông liên tỉnh.

Quy định khác nhau 

Hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (1.10).

Theo đó, về vận tải nội tỉnh, Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định đảm bảo theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ và quy mô cấp độ dịch. 

Về vận tải liên tỉnh: Sở GTVT hai đầu tuyến tham mưu UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động lại tuyến cố định liên tỉnh và thống nhất thực hiện tần suất khai thác đảm bảo theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ và cấp độ dịch.

Mục đích của hướng dẫn này nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Dù vậy, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, hiện ở nhiều địa phương vẫn có các quy định riêng và rất khác nhau về việc lưu thông, vận tải hành khách và tiếp nhận công dân. 

Ở khu vực phía Bắc, tại Thái Bình, địa phương này vẫn tiếp tục thực hiện không tiếp nhận công dân (bao gồm cả công dân người Thái Bình) từ các tỉnh, thành phố, địa phương, khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và khu vực đang thực hiện phong tỏa do có ca bệnh.

Tại Quảng Ninh, theo công văn của UBND tỉnh, người ra khỏi tỉnh được sử dụng kết quả xét nghiệm PCR tối đa 48 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm đến khi trở về tỉnh; quá thời gian nêu trên, phải thực hiện xét nghiệm lại trước khi về. Khi rời Quảng Ninh, người dân viết phiếu đăng ký tự nguyện cách ly tập trung khi trở về nếu có đi đến các địa bàn có dịch đang thực hiện theo Chỉ thị số 15 và 16 của Chính phủ. 

Tỉnh Nam Định tiếp tục tạm dừng tiếp nhận người dân từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trừ những trường hợp theo kế hoạch thống nhất giữa UBND các tỉnh, thành phố nơi giãn cách xã hội và UBND tỉnh Nam Định, các trường hợp công vụ, ngoại giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Nhiều địa phương vẫn đang siết vận tải hành khách liên tỉnh. Ảnh: L.D.

Tỉnh này tạm thời chưa có kế hoạch tiếp nhận công dân đi/về từ thành phố Hà Nội và khu vực có dịch COVID-19 khi không có việc thực sự cần thiết. Trường hợp cần thiết được phép vào tỉnh phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 143/TB-UBND ngày 12.8.

Tương tự, tỉnh Hà Nam hiện chưa tiếp nhận người về từ TP.Hà Nội và vùng có dịch. 

Ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, tại Lâm Đồng, tất cả người dân ở tỉnh thành khác vào là phải cách ly 14 ngày. Tài xế chở hàng ở khu riêng dành cho tài xế, không được đi lại tiếp xúc ngoài khu vực.

Tại Quảng Ngãi, người dân trở về Quảng Ngãi được tiêm vaccine hoặc đã chữa khỏi COVID-19 vẫn phải cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe 14 ngày.

Nhiều địa phương chưa cho phép lưu thông liên tỉnh

Tại TP.HCM, với lưu thông trong nội đô, người dân khi đi đường sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" có thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến khi dữ liệu đồng bộ lên ứng dụng PC-COVID); trường hợp không có mã QR, xuất trình các giấy tờ: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm).

Về lưu thông liên tỉnh, người dân không tự ý đi xe cá nhân qua lại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho lao động từ Đồng Nai, Long An, Bình Dương đến TP.HCM làm việc bằng xe cá nhân và ngược lại, TP.HCM đã phối hợp với các địa phương này thống nhất điều kiện cho lao động lưu thông. Cụ thể, người lao động phải được tiêm vaccine, có đăng ký đi đường bằng mã QR để xuất trình tại các chốt. 

Trong khi đó, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chưa cho phép lưu thông liên tỉnh. Tại Bình Dương, chính quyền tỉnh này chưa cho người dân di chuyển tự do ra khỏi tỉnh.

Còn tại Bình Thuận, 2 địa phương có nhiều ca nhiễm nhất là TP.Phan Thiết và Thị xã La Gi. Tại các cửa ngõ vào 2 địa phương này đều có chốt kiểm soát. Người dân từ các huyện khác muốn vào 2 địa phương này phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn. Còn cán bộ, công chức, viên chức vào Phan Thiết làm việc phải xuất trình thẻ thông hành, thủ trưởng cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm về việc cấp thẻ cho nhân viên của mình và cho xét nghiệm định kỳ. 

Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) - nói rằng, các địa phương đang vênh nhau về quy định, gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.

"Vận tải hành khách khác với hàng hóa vì trên xe chở khách không thể can thiệp sâu. Do đó, doanh nghiệp đề xuất để kiểm soát tốt, trước mắt cần mở cho xe buýt nội đô và taxi, sau khi tình hình ổn định mới triển khai xe khách liên tỉnh" - ông Đỗ Văn Bằng nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn