MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vang âm tiếng trống hội làng đầu xuân

Thu Giang LDO | 25/01/2023 09:25

Có một thứ mà những đứa trẻ ở vùng đồng bằng chiêm trũng (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) thích hơn cả Tết đó chính là nghe tiếng trống hội làng trong những ngày đầu xuân. 

Lễ hội làng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) thường được tổ chức vào ngày mùng 5, 6 Tết âm lịch theo nghi thức cổ, riêng phần hội sẽ là các trò chơi dân gian truyền thống.

Hội làng Ngọc Lũ. Ảnh: Nguyễn Huy  

Ông Nguyễn Văn Huy (SN 1965, huyện Bình Lục) chia sẻ, theo quan niệm dân gian "nhà có vàng không bằng làng có đình", tinh thần của hội làng Ngọc Lũ được gửi gắm vào những tiếng trống khai hội đầu xuân, hoạt động giao lưu văn hoá tại đình làng với mong ước khởi đầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng.

Lễ hội xuân đình làng Ngọc Lũ. Ảnh: Thu Giang 

Tự hào khi nhắc đến chiếc trống đồng làng Ngọc Lũ - Bảo vật Quốc gia (một tiêu bản đang được gìn giữ tại đình làng), ông Huy kể cũng nhờ việc đi đắp đê hộ thủy những năm 1893 - 1894, người làng Ngọc Lũ đã đào được trống đồng, những năm đầu được mang về đình làng thờ tự và chỉ được đánh lên mỗi dịp năm mới. 

"Đi làm cả năm xa quê, mỗi dịp nghỉ lễ Tết gia đình tôi đều tranh thủ nán lại một vài hôm cho các con tham gia lễ hội đình làng đầu năm cùng ông bà. Tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng hội làng ở Ngọc Lũ vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, hoạt động văn hoá đặc sắc hiếm có" - chị Nguyễn Thu Trang (SN 1994, làm việc tại TPHCM) nói. 

Tiêu bản trống đồng Ngọc Lũ (tại đình làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Ảnh: Thu Giang 

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, trống đồng là một nhạc khí dùng trong những lễ tiết lớn của cả cộng đồng. Trống còn được dùng trong lễ mai táng chôn theo người chết, trong lễ hội cầu mùa và là biểu tượng quyền lực của tầng lớp thống trị thời kỳ Hùng Vương dựng nước. 

Sau nhiều biến động lịch sử, chiếc trống đồng Ngọc Lũ hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia với hình dáng cân đối hài hòa, phủ kín mình những hoa văn đẹp nhất. Hiện tại đình làng Ngọc Lũ vẫn đang trưng bày tiêu bản trống đồng Ngọc Lũ được sao chép từ nguyên gốc.

Tư liệu của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đề cập, trống đồng Ngọc Lũ đã có niên đại khoảng 2.000 - 2.500 năm, trống được xếp vào loại H1 - Heger, có màu xanh xám. 

Trống đồng có kích thước lớn, cấu trúc gồm các phần mặt, tang, thân và chân trống. Giữa mặt trống đúc nổi ngôi sao 14 cánh, từ tâm ra có 16 vành hoa văn đặc sắc như hình học, cảnh sinh hoạt, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến, tang trống phình trang trí hoa văn hình thuyền, người, chim, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi.

 Cận cảnh tiêu bản trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: Thu Giang 

Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá trước đó cũng nhận xét, trống đồng Ngọc Lũ thuộc trống đồng loại I. Trong hàng ngàn chiếc trống được phát hiện từ trước đến nay, trống đồng Ngọc Lũ vẫn là chiếc trống có kiểu dáng và kích thước hài hòa nhất, trang trí hoàn mỹ và phong phú, là một trong những hiện vật độc đáo, cổ nhất và đẹp nhất trong các Trống đồng Đông Sơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn