MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường vành đai 3 hay ùn tắc do lưu lượng phương tiện gấp nhiều lần thiết kế. Ảnh: Việt Dũng

Vành đai 3 quá tải, nên tổ chức lại giao thông như tuyến đường đô thị

PHẠM ĐÔNG - VĨNH HOÀNG LDO | 07/12/2022 06:25
Hà Nội - Trên đường Vành đai 3 của Thủ đô, thường xuyên diễn ra cảnh ô tô giành nhau từng chút diện tích mặt đường để lưu thông. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải tổ chức lại giao thông cho tuyến đường này như một tuyến đường đô thị - bởi nó đã thực sự là đường đô thị chứ không còn là cao tốc.

Xung đột ở lối lên, xuống đường trên cao

Dù là “cao tốc trên cao” với tốc độ lên đến 80km/h nhưng hiện tại các phương tiện gần như “bò trên đường" khi đi lên Vành đai 3 (Hà Nội).

Tính lưu thông của phương tiện rất thấp vì nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cánh tài xế ám ảnh vì đi đường trên cũng không được mà xuống đường dưới cũng không xong.

Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc Vành đai 3 được lực lượng chức năng chỉ ra là lưu lượng phương tiện đi vào gấp 8 - 10 lần so với thiết kế.

Các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ùn tắc giao thông trên trục Vành đai 3.

Phương tiện đổ dồn về Vành đai 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Vành đai 3 còn hút một lượng lớn phương tiện từ mọi hướng ra - vào trung tâm hoặc vãng lai qua một khu vực rộng lớn trải dài từ cửa ngõ phía Tây sang phía Nam Thủ đô.

Ngoài ra, tuyến này thường xuyên có xe ôm, xe khách đón trả khách rất lộn xộn, thậm chí hành khách ngồi đón xe ngay lối lên xuống Vành đai 3.

Đặc biệt, một trong những nguyên nhân được tài xế và chuyên gia giao thông chỉ ra tính kết nối giữa đường trên cao và dưới thấp bị lỗi.

Bắt đầu từ khu vực cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thanh Trì đều có những xung đột khiến việc lưu thông bị ảnh hưởng.

Ô tô đi từ ngõ 20 Phạm Hùng lên Vành đai 3 gây xung đột giao thông. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cụ thể, vào bất kể khung giờ nào trong ngày, các phương tiện di chuyển từ ngõ 16 và 20 Phạm Hùng hướng lên Vành đai 3 đã chặn dòng lưu thông của các xe phía dưới.

Vị trí này bị chặn khiến ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết (gần Bến xe Mỹ Đình) luôn trong tình trạng ùn tắc kéo dài. Trong khung giờ buổi sáng và chiều, nhiều xe máy phải di chuyển lên vỉa hè.

Đến ngã tư Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long, lối xuống từ Vành đai 3 xuống đã ngăn dòng phương tiện trên đường Phạm Hùng.

Trong khi đó, điểm xuống này chỉ cách khu vực dừng chờ đèn đỏ 100m gây nên tình trạng xe dồn về một chỗ.

Lối xuống trước đèn đỏ ngã tư Khuất Duy Tiến. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cách đó không xa, hướng từ Đại lộ Thăng Long lên Vành đai 3 trên cao, hầu hết là xe tải nặng, xe khách lưu thông. Nhưng do cắt qua dòng phương tiện hướng Phạm Hùng, Trần Duy Hưng đi Khuất Duy Tiến bằng đường dưới thấp, gây ùn tắc bất kể thời gian, thời tiết.

Trong khi đó, điểm dừng đỗ xe buýt lại được đặt ngay lối lên Vành đai 3. Việc xe buýt dừng đón, trả khách cũng gây ùn ứ, ảnh hưởng tới các phương tiện khác.

Điểm dừng đỗ xe buýt ngay trước lối lên Vành đai 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển. Hai dòng phương tiện này đan chéo qua nhau như "chữ X", không chỉ gây ùn tắc mà còn mất an toàn giao thông tại lối lên Vành đai 3 trên cao.

Có thể thấy, tình trạng xe ô tô xếp hàng dài vào bất cứ thời điểm nào trong ngày do mật độ giao thông trên Vành đai 3 quá lớn. 

Trước việc Vành đai 3 tắc cứng cả ngày, đã có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải tổ chức lại giao thông cho tuyến đường này như một tuyến đường đô thị, bởi nó đã thực sự là đường đô thị chứ không còn là cao tốc.

Tuyến Vành đai 3 trên cao và cả dưới thấp thường xuyên ùn tắc vì đông xe. Ảnh: Vĩnh Hoàng

PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT cho rằng, đường cao tốc có quy định rất nghiêm ngặt về nút, các nhánh nút phải rất hạn chế, phải cách xa nhau.

Việc này nhằm đảm bảo cho tốc độ xe chạy trên đường cao tốc đảm bảo được tốc độ thiết kế là 100, hay 120km/h.

Trong khi đó, đường Vành đai 3 trên cao có tới 7 nút giao chỉ trong vòng 18km. Đồng thời, lối thoát của đường nhánh chúng ta chưa quan tâm đúng mức để đảm bảo cho thoát xe.

Theo ông Tâm, việc tổ chức giao thông phải xác định được từng đoạn đường, từng tuyến đường và cấp hạng kỹ thuật, trên cơ sở đó tổ chức giao thông.

Nếu như không đạt được tiêu chuẩn cao tốc, thì đừng áp dụng tiêu chuẩn khai thác đường cao tốc vào đây.

Đồng thời áp dụng tiêu chuẩn đường đô thị, cho phép tốc độ thiết kế có thể thấp hơn. Cùng với đó xóa bỏ làn đường khẩn cấp để tránh lãng phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn