MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia cố nhà ven sông sau khi sạt lở tại Phường Láng Tròn, Thị xã Giá Rai, Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)

Vào mùa bão, một phần đê biển Tây ở Cà Mau nguy cơ vỡ

NHẬT HỒ LDO | 17/07/2019 12:58
Hàng loạt căn nhà đã bị “hà bá” nuốt; nhiều diện tích đất sản xuất trôi xuống sông; lúa, hoa màu đối mặt với sâu hại... dù chỉ mới bước vào mùa mưa bão.

Sở NNPTNT Bạc Liêu ngày 17.7 cho biết, liên tiếp trong mấy ngày qua, sạt lở bờ sông đã làm cho trên 100 căn nhà tại Thị xã Giá Rai ảnh hưởng nghiêm trong.

Trước đó, tỉnh này cũng đã bi lốc xoáy khiến 2 người bị thương, sập và tốc mái 70 căn nhà tại huyện Hòa Bình.

Nhà ven sông đối mặt với sạt lở bất cứ lúc nào (ảnh Nhật Hồ)

Trong khi đó nhiều trà lúa hè thu của nông dân trong tỉnh bị sâu bệnh gây hại với diện tích 25.375ha, trong đó có 20ha nhiễm nặng, chủ yếu giai đoạn đẻ nhánh, trổ bông và chín.

Tại Cà Mau, sạt lở bờ biển, bờ sông đã cuốn trôi nhiều căn nhà tại huyện Phú Tân. Ngay cả kè chống sạt lở gây bồi tạo bãi tại huyện U Minh, Phú Tân cũng ảnh hưởng.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho biết: Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 254km bờ biển và trên 10.000km bờ sông. Qua rà soát, toàn tỉnh có tổng chiều dài sạt lở bờ biển ở mức độ nguy hiểm trở lên là 105km, trong đó, sạt lở rất nguy hiểm là 65km. Cụ thể, bờ biển Tây bị xói lở có chiều dài khoảng 57km, gồm 3 đoạn: đoạn Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh chiều dài 25.000m; đoạn Ba Tỉnh đến Mũi Tràm chiều dài 17km; đoạn từ Sông Đốc đến Cửa Bảy Háp chiều dài 15km.

Đặc biệt, có 3 vị trí xói lở rất nguy hiểm, với tổng chiều dài 7,8km, gồm: đoạn từ vàm Sào Lưới đến Kênh Mới + 500, vị trí xói lở, chiều dài khoảng 3,7km; đoạn Bờ Bắc vàm Tiểu Dừa đến Hương Mai có 02 vị trí xói lở, chiều dài 3,3km; đoạn từ Vàm Cống T29 hướng về Khánh Hội, chiều dài khoảng 800m. Bên cạnh đó, dưới tác động của gió mùa hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao, bờ biển Tây đang bị đe dọa trực diện, vành đai rừng phòng hộ không còn, một phần đê biển Tây với chiều dài 1,4km có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Dù thường xuyên bị sạt lở nhưng thói quen của người dân thích ở ven sông hơn là vào khu an toàn (ảnh Nhật Hồ)

Đối với bờ biển Đông, tình trạng xói lở đang diễn ra với chiều dài khoảng 48km, trong đó sạt lở rất nguy hiểm tổng chiều dài 29,5km; có nhiều đoạn xói lở ăn sâu vào phía trong, làm mất đất rừng phòng hộ từ 80 đến 100m, chiều dài 18,3km, gồm: đoạn Hố Gùi xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn (chiều dài 3km); đoạn Vàm Xoáy xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (dài 5km); đoạn thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (dài 6,3km); đoạn Hóc Năng xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (dài 4km); đoạn từ cửa biển Khai Long đến Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (dài 5km).

Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, một khi đê bờ Tây của Cà Mau bị vỡ, hàng nghìn hộ dân có đất sản xuất sẽ bị thiệt hại nặng nề, thậm chí, ngay cả hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn