MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong 4 năm ngồi trên giảng đường, tôi luôn là một cô sinh viên báo chí tràn đầy tự tin và đam mê đối với nghề báo.

Vào nghề - Khoảng cách từ giảng đường đến tòa soạn...

Minh Anh LDO | 20/06/2021 15:18
Vốn là một cô sinh viên luôn đạt thành tích cao trong học tập, tôi đã từng nghĩ rằng điểm số là yếu tố quan trọng để tôi chứng tỏ năng lực của mình. Tuy nhiên, 2 tháng thực tập tại báo Lao Động đã giúp tôi nhận ra con đường từ giảng đường đến tòa soạn không hề dễ dàng như tôi vẫn tưởng tượng.

Từ thành tích trên giảng đường...

Tôi - một sinh viên năm cuối với bảng điểm luôn đạt loại giỏi, một cô lớp phó học tập thường xuyên nhận được những suất học bổng dành cho sinh viên xuất sắc. Tất cả những điều này đều là sự nỗ lực để tôi thực hiện mơ ước trở thành một nhà báo chuyên nghiệp - điều tôi đã ấp ủ từ khi còn nhỏ. Ngày ấy, ông nội tôi rất thích đọc báo, đặc biệt là báo Lao Động. Mỗi khi thấy ông mua báo mới về, tôi lại lân la đến gần xin đọc “ké” rồi giữ lại những tờ báo đó để sưu tập. Quả thật, tôi chẳng thể nào hiểu hết các tin tức trên báo, chỉ có cảm giác say mê khi lật giở từng trang báo vẫn còn in đậm trong ký ức tôi đến tận bây giờ.

Cứ như vậy, những tờ báo Lao Động của ông bỗng nhiên gieo vào lòng cô bé 10 tuổi một niềm yêu thích mơ hồ với nghề báo. Sau này, ông nội không thường xuyên đọc báo nữa, nhưng đam mê trở thành phóng viên thì vẫn lớn lên trong tôi từng ngày. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn còn giữ những tờ Lao Động cũ kỹ được gấp ngay ngắn mà tôi nâng niu từ thuở ấy.

Hình ảnh từ bản tin đầu tiên được lên sóng trong quãng thời gian thực tập tại Báo Lao Động.

Khi đã trở thành sinh viên chuyên ngành Báo in tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi luôn nỗ lực hết mình để đạt được kết quả tốt nhất trong học tập. Tôi đã từng nghĩ rằng điểm số chính là con đường ngắn nhất đưa tôi đến gần hơn với mơ ước của mình, những điểm A trong bảng điểm sẽ mang lại cho tôi nhiều thuận lợi khi bước vào con đường làm nghề sau này.

Thế nhưng, cho đến khi có cơ hội được làm việc tại Báo Lao Động trong 2 tháng thực tập, tôi mới nhận ra khoảng cách từ giảng đường đến tòa soạn quả thực không hề dễ dàng như tôi tưởng tượng. Không chỉ riêng tôi, đây cũng là cảm nhận chung của những sinh viên báo chí khi lần đầu tiên được tiếp xúc với môi trường làm báo chuyên nghiệp. Dù đã được đào tạo trong 4 năm nhưng chúng tôi đều hiểu rằng lý thuyết và thực tế là hai điều hoàn toàn khác nhau. Từ môi trường học tập chuyển sang môi trường làm việc nghiêm túc, chắc chắn những “lính mới” như chúng tôi sẽ không thể tránh khỏi cảm giác áp lực, thậm chí là có phần nặng nề đến mức “ngạt thở”.

…Cho tới những bài học đầu tiên từ thực tế

Những ngày đầu thực tập tại Trung tâm Media, Báo Lao Động, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Dù luôn đạt điểm số cao trong những môn học ở trường, nhưng tới khi bắt đầu làm việc, tôi mới nhận ra ngoài khả năng viết, những kỹ năng khác như quay, dựng, chụp ảnh của tôi vẫn còn khá nhiều thiếu sót. Những kỹ năng đa phương tiện ấy lại là yêu cầu không thể thiếu đối với một phóng viên trong nền báo chí hiện đại.

Nhận thức được điều này, tôi càng cảm thấy hoang mang. Đây có thể coi là “cú sốc” đối với một cô sinh viên luôn tự tin vào thành tích của mình như tôi. Lần đầu tiên kể từ khi trở thành một sinh viên báo chí, tôi phải tự hỏi liệu mình có thể làm tốt trong kỳ thực tập này hay không?

Thanh Nga (22 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thực tập tại Trung tâm Media, Báo Lao Động).

Tuy nhiên, bằng quyết tâm trau dồi và học hỏi, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình từ các anh chị phóng viên đi trước, tôi đã dần làm quen công việc và cải thiện những điểm yếu của mình.

Quãng thời gian làm việc tại báo Lao Động cũng đã cho phép tôi thử thách bản thân qua những điều mới mẻ, những điều mà tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm được. Một trong số đó là việc thử sức với vai trò biên tập viên. Trước kia, tôi luôn ngưỡng mộ những MC trên các bản tin truyền hình.

Trong cảm nhận của tôi, họ vừa giỏi, vừa xinh đẹp với những bộ váy lộng lẫy và khuôn mặt được trang điểm kỹ càng. Nhưng ấn tượng này cũng đã thay đổi sau quãng thời gian thực tập. Tôi đã từng chứng kiến có những phóng viên 10 phút trước còn bận rộn xử lý hàng núi công việc, 10 phút sau đã sẵn sàng để lên sóng.

Bản thân tôi cũng đã có cơ hội dẫn những bản tin thời tiết đầu tiên. Thời gian đầu, tôi khá bối rối và vụng về khi đứng trước máy quay. Dù chỉ là những bản tin thời lượng ngắn nhưng cũng phải mất gần 1 tháng luyện tập, cùng với sự động viên và giúp đỡ nhiệt tình từ chị phóng viên hướng dẫn, tôi mới có thể tự tin thử sức với vai trò biên tập viên.

Không chỉ được trau dồi các kỹ năng, thời gian làm việc tại Báo Lao Động còn mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thực tế. Có những điều mà tôi học được tại đây khác xa với tưởng tượng của tôi khi còn ngồi trên giảng đường. Khi còn đi học, hầu hết sinh viên chúng tôi đều nghĩ làm báo “oai lắm”. Và trong tâm lý của những cô cậu sinh viên trẻ tuổi tràn đầy đam mê và nhiệt huyết như chúng tôi dù không nói ra, nhưng mỗi chúng tôi đều tự cho rằng nghề báo cao quý như vậy, chắc hẳn sẽ luôn được tôn trọng.

Nhưng thực tế, sau khi chính bản thân được trải nghiệm cảm giác một phóng viên đi tác nghiệp, tôi mới nhận ra rằng nghề báo không phải lúc nào cũng “oai” và nhà báo không phải lúc nào cũng được chào đón. Nghĩ lại những lời giảng dạy của thầy cô về những nỗi vất vả, nhọc nhằn khi làm nghề, phải đến khi chính bản thân mình trải qua, tôi mới thực sự thấm thía phần nào.

Hành trình từ giảng đường đến tòa soạn với những thử thách đầu tiên khi làm nghề khiến cho những sinh viên báo chí như chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ và lo lắng. Tuy nhiên, nỗi niềm ấy đã được dẹp bỏ khi nhận được sự quan tâm và động viên rất lớn từ cơ quan Báo Lao Động. Sự quan tâm ấy không chỉ đến từ những người phóng viên đi trước - những người trực tiếp hướng dẫn và chỉ bảo chúng tôi chi tiết trong công việc; mà còn đến từ ban lãnh đạo của Báo Lao Động. Điều này đã khiến chúng tôi cảm thấy rằng mọi nỗ lực của mình đều được trân trọng và ghi nhận.

Tại đây, chúng tôi thấy mình không chỉ là những sinh viên thực tập, mà còn được cống hiến và làm việc như những phóng viên trẻ tuổi mới vào nghề. Điều này đã mang lại cho chúng tôi cảm giác biết ơn sâu sắc và cũng chính là nguồn động lực rất lớn để chúng tôi tự tin hơn trước hành trình theo đuổi đam mê của mình.

“Trước kia, tôi từng được nghe nhiều thầy cô và các anh chị trong nghề kể chuyện về những lần thực hiện các loạt bài điều tra. Phải đến khi thực tập, tôi mới có cơ hội cùng các anh chị phóng viên thực hiện một tác phẩm điều tra về đề tài sugar baby, sugar daddy. Dù chỉ là một phóng sự ngắn nhưng mọi người đều chuẩn bị rất kỹ, phải hóa trang và cài máy quay lén. Bản thân tôi cũng được giao nhiệm vụ nhập vai thành 1 sugar baby để tiếp cận nhân vật. Vì là lần đầu tiên nhập vai nên tôi cảm thấy khá hồi hộp, thậm chí còn sợ rằng vì quá run nên mình sẽ không thu thập được đủ thông tin cần thiết từ nhân vật. Nhưng thật may mắn là mọi chuyện đều suôn sẻ. Đó cũng là trải nghiệm tôi nhớ nhất trong quãng thời gian thực tập và cũng là một kỷ niệm mà tôi sẽ không bao giờ quên”.

Thanh Nga (22 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thực tập tại Trung tâm Media, Báo Lao Động).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn