MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ao nuôi cá chép đỏ san sát nhau giữa cánh đồng. Ảnh: Anh Tâm.

Về làng nghề nuôi cá chép đỏ ở Phú Thọ những ngày cận Tết

Tô Công LDO | 05/01/2023 09:00

Phú Thọ - Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê) nổi tiếng xa gần với thương hiệu cá chép đỏ, phục vụ nhu cầu của người dân các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung trong dịp Tết ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp).

Cả làng nuôi cá phóng sinh

Về với làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm những ngày cuối năm này, khắp các cánh đồng là các ao nuôi cá chép đỏ san sát nhau, cùng với những con đường làng, ngõ xóm, vườn cây... toát ra một vẻ trầm lắng, yên bình, giống như nhiều vùng quê khác của tỉnh Phú Thọ.

Nhưng ở đây, ai ai cũng biết, chỉ khoảng 10 ngày nữa, khi dịp Tết ông Công ông Táo đến gần, nơi này sẽ vào mùa tát ao, thả lưới. Lúc đó, khắp các con đường, xung quanh các ao cá sẽ tấp nập "kẻ mua, người bán", thương lái từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai... và một số tỉnh miền Trung sẽ đến tận nơi để mua cá về tiêu thụ.

 Ông Vụ đang có 2 ao nuôi cá chép đỏ, ước tính mỗi ao sẽ thu hoạch được khoảng 2 tạ cá. Ảnh: Tô Công

Đến thăm nhà ông Hà Công Vụ - Bí thư Chi bộ khu Đồng Minh (thuộc làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc), năm nay, gia đình ông Vụ nuôi 2 ao cá chép đỏ, mỗi ao rộng khoảng 700m2. Ông Vụ nhẩm tính, với việc cá sinh trưởng tốt và đều như năm nay, cả 2 ao của ông có thể thu hoạch được khoảng 2 tạ cá.

Ông Vụ và nhiều người dân nơi đây cùng kể lại, năm 2021, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều ao cá của người dân bị tràn nước, mất đi lượng lớn cá. Vì vậy, đến "mùa" ông Công ông Táo gặp tình trạng cung không đủ cầu, giá cả đã tăng đột biến, đạt trên 200 ngàn đồng/1kg, nơi cao nhất ghi nhận giá lên tới 250 ngàn đồng/1kg.

"Ở đây nhà nào cũng nuôi cá chép đỏ, thời gian nuôi bắt đầu từ khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, cho đến trước ngày Tết ông Công ông Táo khoảng 2, 3 ngày là sẽ đánh bắt. Năm nay, tôi kỳ vọng giá cá sẽ được trên mức 100 ngàn đồng/kg" - ông Vụ nói.

 Những lứa cá chép đỏ sinh trưởng tốt, đều đặn về kích thước. Ảnh: Tô Công

Trải qua thời gian dài, người dân đã tích lũy được kinh nghiệm chăm sóc để đảm bảo cá có màu sắc bắt mắt, hình dáng ưa nhìn và kích thước hợp lý để cung cấp cho thị trường. Cá chép đỏ của làng Thủy Trầm có đặc điểm là thân hình thoi, mình dây, dẹp bên, viền lương cong và có hai đôi râu, toàn thân có màu đỏ sặc sỡ (một số màu đỏ ánh vàng).

Trái ngọt từ phát triển nông nghiệp, làng nghề

Ông Bùi Đình Chữ - Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm kể, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, người dân xã Tuy Lộc ra sông Hồng chọn các giống cá tự nhiên như cá trôi, trắm, măng, nhồng, chép, mè... về thả vào ao ương nuôi. Quá trình đo bột để ương nuôi đã lẫn loài cá lạ, tuy thuộc giống cá chép nhưng toàn thân có màu đỏ đẹp, người dân giữ lại nuôi làm cảnh.

Sau đó, đến những năm đổi mới, văn hóa tín ngưỡng truyền thống Tết "ông Công ông Táo" phát triển, người dân trong vùng thấy cá chép đỏ đẹp nên dùng để thay cá chép ta cúng ông Công ông Táo dịp Tết 23 tháng Chạp, nghề nuôi cá chép đỏ hình thành và dân dần nổi tiếng từ đó.

 240 hộ dân đang nuôi cá chép đỏ trên diện tích khoảng 25 hecta đất. Ảnh: Tô Công

"Trước kia, nghề nuôi cá chép đỏ chỉ tập trung ở làng Thủy Trầm, nhưng nay đã nhân rộng ra nhiều nơi trong xã. Tại địa bàn đang có 240 hộ nuôi cá chép đỏ trên diện tích khoảng 25 hecta đất, cung cấp ra thị trường trên dưới 50 tấn cá mỗi năm, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm cho người dân" - ông Chữ chia sẻ.

Vì nuôi cá chép đỏ mang lại giá trị kinh tế cao, nên các hộ gia đình trong làng đã tích cực củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc nuôi cá, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng. 

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Trần Thị Hưởng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết, nhiều năm qua, tại làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, nghề nuôi cá chép đỏ đã trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế chủ đạo, mang lại thu nhập khá cho người nông dân.

 Ngoài thời gian chăm nuôi cá chép đỏ, người dân cũng trồng thêm nhiều loại rau, củ, quả... để cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập. Ảnh: Tô Công.

"Để đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển của làng nghề, huyện Cẩm Khê đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi. Đồng thời, tích cực công tác tuyên truyền, quảng bá để thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm ngày càng lan tỏa rộng hơn” - bà Hưởng nói.

Cùng với những con đường đã được nhựa hóa, bêtông hóa sạch đẹp, bộ mặt nông thôn của làng Thủy Trầm hiện tại đã "thay da đổi thịt", với nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng ngày càng được nâng cao. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ từ thành quả của việc phát triển làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn