MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Kiều Cao Lâm chia sẻ về phong tục, lệ lạ của làng. Ảnh: Lan Nhi

Về làng xem trầu cau bán chạy như thịt lợn những ngày cận Tết Nguyên đán

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 24/01/2020 08:00

Chẳng cần sơn hào hải vị, người dân ở thôn Phú Lễ (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) từ già đến trẻ ai nấy đều có sở thích ăn trầu cau. Chính vì lẽ đó, trầu cau ở Phú Lễ bán chạy không kém gì thịt lợn, bánh kẹo, thực phẩm... mỗi dịp Tết đến xuân về.

Cả làng “say” trầu cau

Thôn Phú Lễ nằm bên dòng Tích Giang có khoảng 300 hộ dân, nhưng điều khiến tôi bất ngờ là hầu như nhà nào cũng đều có chung sở thích ăn trầu cau. Người dân nơi đây có quan điểm, Tết có thể thiếu bánh chưng, thiếu đào quất, bánh kẹo nhưng phải lo sắm đủ cau trầu cho ba ngày thì mới phải vị.

Tục lệ ăn trầu cau đã trở thành nếp sinh hoạt đặc trưng lâu đời của người dân nơi đây. Từ cụ già 70 - 80 tuổi đến các thanh niên trai tráng trong làng, ai ai cũng “mê đắm” món này.

Ở thôn Phú Lễ, ai cũng “nghiện” ăn trầu cau. Ảnh: Lan Nhi

Chẳng kể giàu sang hay nghèo khó, gia đình nào cũng phải có sẵn trong nhà một bình vôi, vài buồng cau, giàn trầu xanh để phòng khi có khách. Khi thăm đồng, lúc cày cấy, người Phú Lễ đều không quên mang theo bên mình túi trầu, vài miếng cau tươi, mẩu thuốc lào vụn, là họ có thể làm việc cả buổi không biết mệt.  

Trầu cau là 2 cây được trồng phổ biến ở Phú Lễ.

Vừa thoăn thoắt bổ cau, bỏm bẻm nhai trầu, bà Kiều Thị Liên (sinh năm 1943, thôn Phú Lễ) chậm rãi nói: “Ngủ dậy là phải ăn miếng trầu, quả cau rồi làm gì thì làm. Ở đây ai cũng vậy cả, bất cứ gia đình nào, ngày thường hay ngày lễ tết, có việc lớn, việc nhỏ cũng không thể thiếu được món này. Thậm chí, mấy quán ăn mở ở đầu làng, người ta còn mời cau trầu với khách như người ở Thủ đô mời nhau hoa quả ăn tráng miệng vậy”.

Những miếng trầu thơm ngon ở làng Phú Lễ.

Theo bà Liên, gần đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá cau  sẽ tăng nhiều so với ngày thường. Mỗi buồng cau bán tại làng cũng có giá cả triệu đồng. Cau tăng giá từ 5.000 đồng/quả lên 10.000 đồng/quả, loại đẹp là 15.000 đồng/quả. Nhiều khách hàng đi mua cau trong dịp này không khỏi ngỡ ngàng vì giá cau quá cao. Ở đây trầu cau bán chạy không kém gì thịt lợn, bánh kẹo, thực phẩm... mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nếu như người xưa hay có câu “phi tửu bất thành lễ” thì với người xóm này lại phải biến tấu thành “phi trầu cau bất thành lễ”, tức không biết ăn trầu thì không phải người Phú Lễ. Chẳng cần tô son điểm phấn, mặt cụ lúc nào cũng đỏ phừng phừng, hồng hào sắc nhuận, răng đen lay láy như hạt na. Đôi ba miếng trầu, quả cau bổ tư, xẻ tám, thêm vài vệt vôi trắng phau là cụ có thể ngồi nhai cả ngày như nhai rau, không biết chán.

Bà Kiều Thị Liên vừa nhai trầu, vừa trò chuyện với hàng xóm

Từng thách cưới bằng 1000 quả cau

Nếu như ở địa phương khác đa phần chỉ phụ nữ, các bà, các mẹ mới ăn trầu thì ở Phú Lễ món này không hề có "biên giới". Từ già, trẻ, gái, trai ai cũng mê say miếng trầu, thậm chí lớp trẻ trong làng lại còn say mê nhiều hơn. Đất đai có thể không quá rộng, nhưng nếu đã có mảnh vườn nhỏ, kiểu gì người dân trong thôn cũng trồng thêm mấy gốc cau và đôi ba giàn trầu để phục vụ cho sở thích của gia đình.

Mỗi gia đình đều có một hàng cau xanh tốt.

Trao đổi với Lao Động, ông Kiều Cao Lâm, Trưởng Câu lạc bộ văn nghệ xứ Đoài cho biết: “Trước kia ở làng tôi còn có tục lệ thách cưới nhà trai bằng 1000 quả cau. Do vậy, những năm cau mất mùa, đội giá, khiến nhiều gia đình trong làng phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi mới gom đủ sính lễ. Bây giờ thì làng cũng giản lược bớt thủ tục, số cau trầu trong đám cưới cũng chỉ còn chừng vài ba trăm quả”.

“Miếng trầu mộc mạc cùng với miếng cau bổ tùy ý, hòa quyện cùng với ánh bạc của vôi đã trở thành món quà quê giản dị, đậm đà tình nghĩa sắt son của người dân Phú Lễ. Ăn trầu là một cách thức để họ lao động hiệu quả hơn, gắn kết tình cảm hàng xóm láng giềng. Đôi khi gặp nhau, thân nhau cũng nhờ vào miếng cau, miếng trầu là vì lẽ đó...” - ông Lâm nói thêm.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn