MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực trước đây chỉ là vùng đất chết nay trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.

Về miền ký ức cùng những chiến binh đặc công Rừng Sác

Phương Ngân LDO | 01/05/2022 14:17

Chiến tranh qua đi, không ít người lính đã nằm xuống mãi mãi, nhưng cũng còn những người ở lại, người lính đặc công Rừng Sác Huỳnh Đồng và cô quân y Phạm Thị Nhung là số ít những người may mắn trở về. Trong miền ký ức của họ là hình ảnh những người đồng đội cũ - những chiến binh Rừng Sác oai hùng mà mỗi khi nhớ lại nước mắt vẫn trực trào.

Cách TPHCM khoảng 60km, Rừng Sác (Cần Giờ) nay đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách. Nhìn cánh Rừng Sác bạt ngàn, xanh mướt hiện nay ít ai biết được rằng đã có một thời nơi đây chỉ là vùng đất chết, rừng Sác chỉ còn trơ lại gốc bởi chất khai quang, bom rơi, bão đạn thời chiến. Rừng Sác nay đã xanh tươi bạt ngàn; nhưng trong ký ức của những người lính đặc công Rừng Sác, cánh rừng này cách đây 47 năm là nơi chứa đựng những đau thương, mất mát.

Những miền ký ức

Trở lại khu chiến trường xưa trong cái nắng gay gắt, chiến khu Rừng Sác hiện lên một màu xanh thẫm. Không ai có thể tin nơi đây đã từng là một chiến trường đầy khắc nghiệt, để rồi trong cái khắc nghiệt ấy đã hình thành nên tên tuổi của một lực lượng nổi tiếng - Đội đặc công Rừng Sác.

Sau chiến tranh, cô quân y Đoàn 10 (đội đặc công Rừng Sác) Phạm Thị Nhung (nay đã 76 tuổi) may mắn trở về với cơ thể còn nguyên vẹn nhưng lại phải chịu nỗi đau mất người thân, đồng đội. Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, 14 tuổi với lòng căm hờn khi nhìn thấy cha mình bị địch bắt giữ, đánh đập cô gái trẻ ấy đã quyết định tham gia vào chiến trường.

Ban đầu cô tham gia đoàn văn công để phục vụ, ủng hộ tinh thần cho anh em đồng đội. Hoạt động tại đoàn văn công đến năm 1964, cô được cử đi học y tá tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Hai năm sau như cái duyên chưa dứt cô quay trở lại Đoàn 10 làm công tác cứu chữa vết thương cho chiến sĩ, nơi mà lằn ranh của sự sống và cái chết chỉ bằng 1 sợi chỉ.

Trong nơi làm việc đầy khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị y tế, những chiến sĩ quân y phải tìm mọi cách xoay sở để có thuốc cứu chữa cho đồng đội "có những loại thuốc cần nước cất nhưng không đủ, tranh thủ đây là vùng có nhiều dừa nước chúng tôi đã rút nước dừa tươi để thay thế" - cô Phạm Thị Nhung kể.

Bà Phạm Thị Nhung - cựu quân y Đoàn 10 - Rừng Sác.

Chính trong điều kiện thiếu thốn và sức lực có hạn, đã không ít lần cô Phạm Thị Nhung chứng kiến cảnh những người đồng đội của mình ra đi mãi mãi, cái cúi đầu như một lời tạ lỗi vì "lực bất tòng tâm". "Chiến tranh sống chết là điều không tránh khỏi, nhưng nhiều lần chứng kiến các anh bị thương quá nặng mà mình không đủ sức cứu chữa khiến các anh phải ra đi, có những anh chỉ mới 20 tuổi đã phải lìa khỏi cõi đời, thậm chí có người còn chết trên tay mình, cảm thấy xót xa vô cùng" - cô Phạm Thị Nhung rưng rưng nước mắt nhớ về những người đồng đội cũ.

Cuộc sống chiến đấu trong rừng vô cùng khó khăn, khắc nghiệt phải lấy tán rừng làm nhà, gốc cây làm nơi trú ẩn và con sông lòng Tàu làm nơi chiến đấu. Khi "yên ắng" thì không sao nhưng khi địch càn quét vừa sinh xong cũng phải ôm con bỏ chạy "Tôi còn nhớ những ngày địch càn quét có nữ chiến sĩ vừa mới sinh con xong phải ôm con bỏ chạy, nhưng biết làm sao được vì chiến tranh nó tàn khốc, ác liệt như thế mà...".

Có lẽ không có gì tàn khốc hơn chiến tranh, đạn bom vây tứ phía, trên thì máy bay rải chất độc, dưới sông thì tàu địch bắn tỉa không ngừng. Khi nào địch càn thì chạy, còn không thì những người chiến sĩ quân y vẫn phải làm nhiệm vụ chữa trị cho anh em. Có lần địch càn, cả đội phải trốn xuống hầm trú ẩn, bom rơi ngay nắp hầm nhưng may mắn không nổ "có lẽ trời thương", cô Nhung bảo vậy.

Nhưng rồi may mắn không phải lúc nào cũng đến, trong một đợt tấn công của địch, cả căn cứ tháo chạy "tôi chạy phía trước còn chị Bảy Mến (một người đồng đội) chạy phía sau, tiếng bom dội vang động cả cánh rừng, nhìn lại tôi chỉ thấy mảnh áo của chị nằm dính trên rễ cây, còn chị thì...".

Đau thương day dứt

Những mái đầu xanh nay đã bạc, người lính đặc công Rừng Sác Huỳnh Đồng (cựu chiến binh Đoàn 10, chiến khu Rừng Sác) hay còn được gọi là chú Chín Đồng nay đã bước vào tuổi 80. Trong căn nhà có mảnh vườn nhỏ, chú Chín Đồng ngồi nhớ lại chuyện xưa, cuộc sống trong rừng chỉ gói gọn trong hai từ "khốn khó", cơm không đủ ăn, nước không đủ uống..."có những lúc hết nước ngọt để uống phải nhịn khát nhiều ngày, nhiều người chịu không nổi phải lặn xuống sông để hóp từng ngụm nước mặn cho đỡ khát. Còn hôm nào địch càn quét đốt sạch quần áo, vải vóc thì mọi người phải chia nhau quần áo để mặc, có người chỉ mặc áo không mặc quần và ngược lại" - chú Chín Đồng nhớ lại.

Ông Huỳnh Đồng - cựu chiến binh Đoàn 10, Rừng Sác.

Những lần chạy trốn bom đạn như cuộc rượt đuổi giữa sự sống và cái chết, ai nhanh chân sẽ giữ được nguyên mạng sống, chậm hơn sẽ bỏ mạng. Không ít người đã bỏ mạng trong những đợt tấn công của địch, người còn sống thì dắt díu nhau trở về căn cứ. Và chú Chín Đồng cũng may mắn còn sống trong lần bị địch tấn công. May mắn sống sót nhưng chú Chín Đồng bị thương khá nặng, chút nữa phải cưa chân. 

Cũng chính lần bị thương ấy mà chú Chín Đồng đã phải ray rứt vì một đồng đội đã hy sinh trên đường trở về sau khi đến thăm. "Đến thăm tôi tại trại quân y, Tổng - một người anh em kết nghĩa của tôi nói đùa với tôi rằng "từ nay anh đã yên tâm rồi, còn em không biết số phận sẽ ra sao".

Sau câu nói đùa ấy Tổng để lại cho tôi 2 hộp sữa, 1kg đường với 1 cây thuốc lá rồi rời đi. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp được nó vì trên đường trở về gặp địch tấn công, Tổng trúng đạn bị thương rất nặng. Sau khi được cấp cứu, Tổng được đặt nằm cạnh giường tôi tại trại quân y, nhưng chỉ vài tiếng sau nó ra đi mãi. Ánh mắt nó nhìn tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng như muốn trăn trối điều gì. Tôi còn nợ nó cái ơn, cái nghĩa, mà chắc phải đợi kiếp sau mới mong trả được...” - chú Chín Đồng xúc động kể.

Rừng Sác giờ đây là địa điểm check in của nhiều bạn trẻ. Ảnh: PHƯƠNG NGÂN

10 năm chiến đấu tại chiến khu Rừng Sác và để có được hòa bình hôm nay, những chiến binh đặc công Rừng Sác đã đổi bằng máu xương của mình. 47 năm sống trong hòa bình, vẫn không thể xóa nhòa những vết thương lòng, những dòng nước mắt khi nhớ về những đồng đội đã đi mà không có ngày về. Rừng Sác nay đã xanh, đã vươn lên mạnh mẽ nhưng trong lòng họ, mỗi gốc cây vẫn còn màu của máu, màu của những năm tháng khốc liệt gian nan mà họ và những đồng đội đã cống hiến cho sự nghiệp độc lập dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn