MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công ở Cao Bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhiều công trình. Ảnh: An Trịnh.

Vì sao Cao Bằng "tắc" giải ngân vốn đầu tư công, 11 tháng chưa đạt 30%?

An Trịnh - Trần Trọng LDO | 24/11/2022 09:24

Trải qua 11 tháng, Cao Bằng vẫn nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của cả nước.

Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Cao Bằng được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.031,667 tỉ đồng. Tính đến hết ngày 17.11, tỉnh đã giải ngân được trên 1.153 tỉ đồng, bằng 27,9% kế hoạch năm.

Trong số các chủ đầu tư được giao vốn đầu tư công, chỉ 2 chủ đầu tư giải ngân đạt 100%. 5 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân là những cơ quan như Trường trung cấp nghề, Quỹ phát triển đất, Văn phòng Tỉnh Uỷ Cao Bằng, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng.

Các dự án bị ảnh hưởng bởi việc giải ngân vốn đầu tư như: Khu tái định cư đường phía Nam khu đô thị mới; Trường Mầm non Sông Hiến A; đường tỉnh 208; dự án kè chống sạt lở bờ, ổn định dân cư bờ trái sông Bằng; kè chống sạt lở bờ, ổn định dân cư Cao Bình,...

Lý giải về việc kết quả giải ngân không đạt như kỳ vọng, chia sẻ với Lao Động, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Cao Bằng cho rằng tồn tại này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Dự án Khu tái định cư đường phía Nam khu đô thị mới TP.Cao Bằng còn vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Về khách quan, đại dịch COVID-19 khiến cho việc điều động nhân sự chủ chốt có tay nghề cao từ địa phương khác đến gặp trở ngại. Việc nhập vật tư thực hiện các dự án cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Giá một số nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, trình tự thủ tục, quy trình thực hiện các dự án nước ngoài đòi hỏi sự chặt chẽ trải qua nhiều bước phần nào khiến kéo dài thời gian giải ngân các dự án.

 Một số dự án kè sông trên địa bàn TP.Cao Bằng vẫn chưa được hoàn thành dù đã quá hạn.

Bên cạnh đó nguồn vốn tăng thu ngân sách địa phương và nguồn thu được từ sắp xếp lại, xử lý trụ sở chưa đạt theo kế hoạch làm ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn cho các dự án.

Một số nguyên nhân chủ quan cũng được Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng thẳng thắn thừa nhận, việc chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư, quá nhiều các khâu, bước lấy ý kiến các cơ quan chức năng kéo theo việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu... mất nhiều thời gian.

Năng lực quản lý, điều hành của một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa thực sự sát sao công việc và mang tâm lý "giữ vốn". Công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn rất chậm do sự phối hợp của chủ đầu tư các dự án với chính quyền địa phương cũng như người dân chưa cao.

 Không những tiến độ chậm, một số dự án xây dựng trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến người dân sống gần đó.

Nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm, UBND tỉnh Cao Bằng và các sở, ngành chuyên đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị chủ đầu tư, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, lập hồ sơ thanh quyết toán.

Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Sở KH&ĐT Cao Bằng cũng vừa có kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo đẩy nhanh việc giao vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. 

Do trong qua trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, một số dự án trên địa bàn tỉnh phải điều chỉnh lại dẫn đến chậm tiến độ phê duyệt dự án nên chưa được bàn giao vốn thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn