MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao có nơi dâng lên bàn thờ chiếc bánh chưng dài

Anh Tuấn LDO | 23/01/2020 16:56

Ở huyện miền núi Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), thay vì bánh chưng vuông, người dân thường gói bánh chưng dài để dâng lên bàn thờ cúng gia tiên.

Chiều 29 Tết Nguyên đán Canh tý 2020, bà Nguyễn Thị Hồng (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) tất bật gói bánh chưng để chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên của gia đình. Bánh chưng ở vùng thôn quê này không phải là bánh chưng vuông như ở các nơi khác, mà là bánh chưng dài như bánh tét miền Nam.

"Tôi không biết bánh chưng dài có từ bao giờ, nhưng từ nhỏ, tôi đã được bố mẹ dạy cách gói loại bánh chưng này. Ở quê tôi, dâng lên bàn thờ tổ tiên phải là bánh chưng dài như bánh tét miền Nam vậy. Đó cũng là thức quà đầu năm, dành tặng nhau ăn, là mong muốn đại gia đình một năm an bình, vui vẻ, hạnh phúc", bà Hồng cho biết.

Chiếc bánh chưng dài dâng lên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết. Ảnh: A.T

Theo bà Hồng, gạo gói bánh chưng dài là gạo nếp do mỗi nhà tự trồng, được ngâm nước trước khi gói bánh. Nhân bánh gồm có thịt lợn và đỗ xanh tùy sở thích của mỗi gia đình. 

Công đoạn gói bánh chưng đòi hỏi sự khéo léo, bởi nếu gói quá chặt tay, bánh sẽ bị ngấm nước, còn nếu gói quá lỏng bánh sẽ bị nhão. Do đó, gói chiếc bánh chưng dài mà thân tròn đẹp không phải ai cũng làm được.

"Khi xong xuôi các công đoạn, chỉ cần đặt bánh vào rồi và luộc. Bếp lửa cháy đều, mọi người trong gia đình thay nhau canh lửa, canh nước cho nồi bánh chưng. Nhìn ngọn lửa hồng, cháy đượm quanh nồi bánh to bản, thỉnh thoảng nghe tiếng than củi nổ tí tách, tạo nên sự đặc trưng của hương vị Tết truyền thống", bà Hồng nói.

Bà Hoàng Thị Hòa (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, ở quê bà, bánh chưng dài còn là thứ quà bắt buộc phải có trong tục đi "sêu" - tục lệ biếu quà dịp tết của con rể đối với bố mẹ vợ trước ngày mùng 1 Tết Nguyên đán.

"Tục đi "sêu" xuất phát việc đạo nghĩa phu thê, tình nghĩa vợ chồng và ơn sinh thành của các cụ. Chính vì vậy, khi con rể biếu bố mẹ vợ chiếc bánh chưng dài tự nấu sẽ thể hiện được lòng thành, trọn đạo làm con", bà Hòa cho hay.

Bánh chưng là món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết, cũng như trên bàn thờ cúng gia tiên. Từ bao đời nay, người Việt quan niệm, bánh chưng tượng trưng cho sự trọn vẹn của trời đất, cho sự ấm áp và lòng thành. Bánh chưng là biểu tượng, là truyền thống, là nét đẹp của con người Việt Nam, không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn