MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diện tích rừng phòng hộ bị vùi lấp do Công ty TNHH Duyên Hà khai thác đá vôi. Ảnh: Nguyễn Trường

Vì sao DN khai thác đá vùi lấp 30.000 m2 rừng phòng hộ được “ưu ái”?

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 23/11/2020 06:00
Cty TNHH Duyên Hà liên tục có hành vi khai thác đá vôi ngoài ranh giới mỏ, làm sạt lở, vùi lấp hàng chục nghìn mét vuông rừng phòng hộ. Tuy nhiên, DN này vẫn được UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ NNPTNT chuyển mục đích sử dụng gần 40ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi.

Khai thác ngoài mốc giới, vùi lấp đất rừng

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 1417/GP-BTNMT ngày 11.6.2015 thì Công ty TNHH Duyên Hà được khai thác đá vôi làm nguyên liệu ximăng tại khu vực Yên Bình, phường Tân Bình và xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp (nay là Thành phố Tam Điệp). Diện tích khai thác là 51,13ha, mức sâu khai thác +50m. Trữ lượng khai thác 60.500.166 tấn đá vôi, công suất khai thác 2.053.800 tấn đá vôi/năm, thời gian khai thác 30 năm.

Tuy nhiên, theo tài liệu mà PV Báo Lao Động có được, chỉ trong vòng 2 năm từ 2018 - 2019, Công ty TNHH Duyên Hà đã liên tục có hành vi khai thác đá vôi ngoài ranh giới mỏ, làm sạt lở, vùi lấp hàng chục nghìn mét vuông rừng phòng hộ thuộc phường Tân Bình (Thành phố Tam Điệp).

Cụ thể, theo báo cáo số 01/BC - KL ngày 7.1.2020 của Hạt Kiểm lâm Tam Điệp về việc Kết quả kiểm tra hoạt động khai thác đá tại Công ty TNHH Duyên Hà chỉ rõ: Trong quá trình khai thác đá tại các vị trí này đã gây sạt lở đất, đá xuống phía dưới vùi lấp diện tích rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Điệp đang giao khoán. Diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng vùi lấp được kiểm tra đo đếm lần 1 ngày 12.10.2018 có diện tích là 19.808m2; Diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng vùi lấp được kiểm tra đo đếm lần 2 ngày 25.12.2019 có diện tích là 12.574m2. Tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng vùi lấp sau 2 lần kiểm tra là 32.382 m2”.

Liên quan đến những sai phạm trên, ngày 9.4.2020, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản giao Sở NNPTNT phối hợp với UBND Thành phố Tam Điệp và các đơn vị liên quan xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của Công ty TNHH Duyên Hà. Tuy nhiên, đến nay hành vi khai thác đá làm vùi lấp 32.382m2 rừng phòng hộ này của Công ty TNHH Duyên Hà vẫn chưa được xử lý.

Đề nghị chuyển đổi gần 40ha rừng phòng hộ để khai thác đá vôi

Việc Công ty TNHH Duyên Hà liên tục vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra lập biên bản. Tuy nhiên, mới đây UBND tỉnh Ninh Bình lại có tờ trình đề nghị chuyển 38,17ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất ximăng cho dây chuyền 2 Nhà máy Ximăng Duyên Hà.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Ninh Bình cho biết: Việc tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Bình trình Bộ NNPTNN đề nghị chuyển đổi 38,17ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất ximăng cho dây chuyền 2 Nhà máy Ximăng Duyên Hà là đúng quy định hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp.

“Chúng tôi sẽ có trao đổi lại với Bộ NNPTNT, mà nhất là chỗ Tổng cục Lâm nghiệp, còn đề xuất của chúng tôi hoàn toàn phù hợp và đúng theo quy định, hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp và hướng dẫn Nghị định 83 của Chính phủ. Nguồn gốc trước đây là rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ nhưng từ năm 2013 đã có quy hoạch là vùng sản xuất vật liệu xây dựng của nhà máy ximăng giai đoạn 2013 -2020” - ông Dương nói.

Ngày 16.11, Bộ NNPTNT có Văn bản 7944 gửi UBND tỉnh Ninh Bình về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Sau khi xem xét, Bộ NNPTNT cho rằng, tờ trình của tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi, là không đúng với quy định hiện hành. Văn bản nêu rõ “Căn cứ vào các quy định hiện nay, Chính phủ quy định không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn