MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 25.12, Hà Nội ghi nhận thêm 1879 ca mắc mới. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Vì sao Hà Nội 7 ngày liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca mắc COVID-19?

Phạm Đông LDO | 26/12/2021 13:04
Hà Nội - Trong 2 tuần qua, thành phố Hà Nội ghi nhận tổng cộng hơn 17.000 ca mắc mới. Trong đó, 7 ngày liên tiếp, thành phố "dẫn đầu" cả nước về số ca mắc COVID-19. Hiện nay, 6/8 quận "vùng cam" đã ban hành hướng dẫn siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 25.12, tổng số bệnh nhân COVID-19 hiện đang điều trị là 19.730 người, trong đó có hơn 10.000 người đang điều trị tại nhà, gần 5.000 người điều trị tại các cơ sở thu dung quận, huyện; số còn lại điều trị tại các bệnh viện trung ương và Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị của thành phố.

Cũng trong tối 25.12, Hà Nội ghi nhận "kỷ lục" 1.879 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp, thành phố "dẫn đầu" cả nước về số ca nhiễm.

Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29.4), thành phố có tổng 37.522 ca, trong đó 13.539 ca cộng đồng và 23.983 người đã được cách ly. Dịch lan ra toàn bộ 30.30 quận, huyện, thị xã.

Đặc biệt, quận Đống Đa vượt 4.000 ca mắc với tổng số 4.040 F0. Các quận, huyện vượt 1.000 ca mắc gồm: Hoàng Mai (3.736), Hai Bà Trưng (2.570), Ba Đình (2.196), Nam Từ Liêm (2.151), Thanh Xuân (1.994), Long Biên (1.954), Hà Đông (1.818), Thanh Trì (1.758), Gia Lâm (1.725), Đông Anh (1.645), Bắc Từ Liêm (1.516), Hoàn Kiếm (1.119). 

Bà Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội là đô thị lớn, mật độ dân cư đông, giao thương, đi lại, di biến động của người dân từ Hà Nội với các tỉnh cũng như từ các tỉnh đến Hà Nội rất phức tạp. Hà Nội cũng là thành phố có nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhiều khu công nghiệp. Hơn nữa, số người nhập cảnh trong thời gian qua tăng cao.

Ngoài hệ thống cơ sở xét nghiệm, người dân cũng có thể tự xét nghiệm bằng test nhanh và thông báo với chính quyền địa phương, y tế cơ sở xác nhận và quản lý tại địa bàn cũng là lý do số ca nhiễm tăng cao trong những ngày gần đây. Ngoài ra, tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân đã tiêm chủng vaccine.

"Hà Nội thực hiện rất nghiêm túc chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Mặc dù số ca mắc của Hà Nội tăng cao trong những ngày gần đây nhưng quan trọng nhất là Hà Nội vẫn chủ động kiểm soát dịch", bà Hà nói.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, thành phố kịp thời điều chỉnh các biện pháp hành chính phù hợp như có thể xem xét dừng, hạn chế các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động lễ hội, tôn giáo... Trong quá trình phòng chống dịch quan trọng nhất là phải nghiêm khắc với các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch.

Thành phố cũng đã phân cấp đến các quận, huyện để đánh giá cấp độ dịch, chủ động thực hiện áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp với cấp độ dịch nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, để người dân đón Tết an toàn và trọn vẹn. 

Theo đánh giá cấp độ dịch ngày 24.12, Hà Nội có 8 quận ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao), gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ. Theo quy định, 8 quận này sẽ phải siết chặt nhiều hoạt động phòng, chống dịch; dừng bán hàng ăn uống tại chỗ.

Trong số 8 địa phương này, quận Đống Đa và Hai Bà Trưng trước đó đã yêu cầu nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về từ ngày 13 và 19.12. Cập nhật đến chiều 25.12, các quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ đã quyết định điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Trong đó, toàn bộ 2 quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm sẽ bắt đầu triển khai từ 12h ngày 26.12; toàn bộ quận Ba Đình và 13 phường thuộc quận Hoàng Mai sẽ từ 12h ngày 27.12. Như vậy đến nay, 6/8 quận "nguy cơ cao" của Hà Nội đã siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn