MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tâm dịch Nậm Pồ. Ảnh: Văn Thành Chương

Vì sao huyện nghèo Nậm Pồ, Điện Biên chặn đứng được "cơn bão" COVID-19?

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 05/09/2021 15:09

Đầu tháng 5.2021, dịch COVID-19 bất ngờ tấn công vào huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên - một trong những huyện biên giới nghèo nhất nước. Các ca F0 liên tục tăng lên, chủ yếu trong đội ngũ giáo viên và học sinh…

Nhanh chóng lấy lại “thế trận”

Dịch COVID-19 đến một cách bất ngờ với huyện nghèo vùng biên giới xa xôi, vì vậy trong những ngày đầu, hệ thống chính quyền cơ sở có một số “lúng túng” nhất định khi các ca F0 liên tục tăng nhanh. Đặc biệt, chùm ca bệnh lại xuất hiện chủ yếu ở các đối tượng là giáo viên và học sinh nên các trường hợp F1, F2 cũng tăng lên nhanh chóng.

Trước tình huống cấp bách như vậy, được sự chỉ đạo và hỗ trợ trực tiếp từ Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Điện Biên, Cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ xác định, việc đầu tiên là phải thay đổi cơ chế điều hành, hội họp, để rút ngắn thời gian từ việc báo cáo, chỉ đạo đến triển khai phải được diễn ra nhanh nhất.

Đặc biệt, thời điểm đó, cả hệ thống chính trị đang tập trung chuẩn bị cho công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nên nhiệm vụ đặt ra càng nặng nề hơn, nhất là triển khai bầu cử tại vùng tâm dịch và vùng bị cách ly, phong tỏa.

Cử tri xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đi bầu cử.

Theo đó, cử tri đã được đi bỏ phiếu thành nhiều đợt và theo các khung giờ khác nhau. Đối với các cử tri thuộc diện cách ly tại nhà và cách ly tập trung sẽ được mang hòm phiếu phụ đến từng nhà, từng phòng trong khu cách ly để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Vừa căng mình chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, thế nhưng chỉ sau 32 ngày, huyện biên giới Nậm Pồ đã hoàn toàn khống chế được dịch bệnh và trở thành "vùng xanh", công tác bầu cử cũng được diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Nói về kết quả này, ông Lê Khánh Hòa - Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: "Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên, sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân trong cả nước thì quan trọng nhất vẫn là: "Phải làm chủ được thế trận, huy động sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và đưa ra những giải pháp vừa cứng rắn, vừa linh hoạt…""

Giao nhiệm vụ cụ thể phù hợp với thực tiễn

Ông Bùi Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Ngay khi có có kế hoạch, kịch bản, huyện đã giao nhiệm vụ cho từng đồng chí cụ thể để triển khai và phải chịu trách nhiệm trực tiếp với Ban chỉ đạo. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc để xảy ra sai sót, lập tức đình chỉ nhiệm vụ và cử người khác thay thế”.

Ông Bùi Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ (thứ 3 bên trái) báo cáo lãnh đạo tỉnh Điện Biên về chế độ bữa ăn tại khu cách ly.

Đặc biệt, trong công tác truy vết, với tinh thần thần tốc, huyện đã không giao cho lực lượng y tế chủ trì mà giao lực lượng công an để đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và chính xác, lực lượng y tế mỏng lại phải tập trung cho nhiệm vụ điều trị, cách ly, khoanh vùng... “Do đó, có ngày phải thành lập đến 6 tổ truy vết, huy động đến hơn 100 cán bộ chiến sĩ công an tham gia”. - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết thêm.

Về quản lý hoạt động trong khu cách ly, huyện đã đề cao yêu cầu đảm bảo khoảng cách, phân luồng, cách ly đúng đối tượng theo từng cấp độ nguy cơ, không để xảy ra lây chéo. Với 1.311 trường hợp cách ly tập trung thì có đến 673 trường hợp là học sinh. Do vậy, phải chia các cháu vào từng phòng theo độ tuổi, mỗi phòng có 1 người lớn hoặc cô giáo thuộc đối tượng cách ly phụ trách.

Tại thời điểm đó, huyện cũng nhận được nhiều nguồn tài trợ hàng hóa, lương thực, thực phẩm của các tổ chức cá nhân. Lập tức, 1 tổ tiếp nhận do đồng chí Phó Bí thư thường trực Huyện ủy trực tiếp phụ trách đã được thành lập để đảm bảo công khai, minh bạch và tiếp nhận, phân phối một cách khoa học, hợp lý…

Sẵn sàng cho mọi tình huống

Vào lúc cao điểm, toàn huyện Nậm Pồ có 46 trường hợp F0, hàng nghìn F1 cách ly tập trung. Huyện đã thành lập 13 khu cách ly,  2 cơ sở điều trị tạm thời. Sau khi trở thành “vùng xanh” trong nhiều tháng qua, huyện Nậm Pồ vẫn luôn nâng cao cảnh giác và sẵn sàng cho mọi tình huống.

Một chốt kiểm soát COVID-19 tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.

Hiện nay, toàn huyện vẫn duy trì 2 chốt kiểm soát để quản lý người ra vào địa bàn; 22 trạm, chốt của lực lượng biên phòng, có sự tham gia của dân quân xã vẫn liên tục hoạt động tại các đường mòn, lối mở.

Để sẵn sàng cho các tình huống, 1 khu cách ly tập trung đã được đầu tư cải tạo, đảm bảo các điều kiện theo quy định và hiện có 13 người đang thực hiện cách ly. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thêm 1 khu cách ly mới tại Ban chỉ huy Quân sự huyện với quy mô 220-240 giường dự kiến hoàn thành trước 30.9.

Cùng với đó là xây dựng kịch bản phòng chống dịch đảm bảo phương án khi trên địa bàn có 200 trường hợp F0, số người phải cách ly lên đến 2.000 người… Rà soát phương tiện cá nhân có thể huy động để vận chuyển bệnh nhân, hàng hóa khi khi có tình huống xảy ra.

Trong tháng 8 vừa qua, huyện Nậm Pồ cũng tổ chức tập huấn cho 121 tổ COVID-19 cộng đồng với 373 thành viên tham gia… Song song với đó là tăng cường quản lý dân cư, đặc biệt số công dân từ vùng dịch và các địa phương  khác về địa bàn để quản lý theo quy định.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn