MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hạt đá to bằng đầu đũa xuất hiện trong cơn mưa chiều ngày 25.4 ở quận 12 (TPHCM). Ảnh cắt từ clip của người dân.

Vì sao mưa đá bất ngờ xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh?

MINH QUÂN LDO | 25/04/2020 19:58

Khoảng 16h ngày 25.4, tại khu vực phường Tân Thới Hiệp, quận 12 (TPHCM) xảy ra cơn mưa lớn, gió mạnh và đặc biệt có kèm theo những viên nước đá có kích thước bằng đầu đũa.

Mưa đá xảy ra khoảng 2 phút khiến nhiều người dân nơi đây bất ngờ và thích thú vì lần đầu chứng kiến.

Trao đổi với Phóng viên Báo Lao Động về hiện tượng thời tiết bất thường này, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó phòng Dự báo và phục vụ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết, mưa đá thường rơi từ những đám mây dông phát triển rất mạnh ở độ cao 7.000 – 8.000 m. Khi đó, trong đỉnh mây có nhiều tinh thể băng nhưng phải đối lưu mạnh thì mới rơi xuống được.

Theo bà Lan, Nam Bộ đã trải qua 6 tháng mùa khô, đặc biệt từ đầu tháng 4 đến giờ là nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ đo được khoảng từ 37 - 38°C. Sau chuỗi ngày khô hạn, khi đối lưu đủ điều kiện thì phát triển rất mạnh. Chính vì vậy, mưa đá vừa xảy ra ở TPHCM là do mây đối lưu nhiệt lực gây ra.

“Mưa đá ở TPHCM thường xảy ra khi chuyển mùa, thậm chí đầu mùa mưa cũng có thể xảy ra. Trong mùa mưa thì ít hơn do giai đoạn đầu nóng quá nên đối lưu mạnh” bà Lan nói.

Những “hạt mưa” vẫn còn đông cứng khi mới rơi xuống đất. Ảnh cắt từ clip của người dân

Cũng theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nếu so với miền Bắc và miền Trung thì mưa đá ít xảy ra hơn ở Nam Bộ do điều kiện địa hình bằng phẳng. Tuy vậy, mưa đá vừa xảy ra ở TPHCM không phải là lần đầu. Khoảng 10 năm trở lại đây đã từng xuất hiện những cơn kèm theo những viên đá còn to hơn. “Trước đây từng đo được mưa đá ở TPHCM to từ 1,5 đến 2 cm” bà Lan nói.

Về tình hình thời tiết những ngày tới, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan cho biết TPHCM đang đỉnh điểm của thời kỳ nắng nóng và đang trong giai đoạn chuyển mùa. Do đó, khoảng 5 ngày tới, thời tiết TPHCM ban ngày vẫn nắng nóng gay gắt và đến chiều sẽ xuất hiện mưa dông.

Khoảng đầu tháng 5 trở đi sẽ xuất hiện những cơn dông mạnh do gió Tây Nam thổi đem đến độ ẩm nhiều hơn. Khi đó hiện tượng thường hay thấy là sét đánh, gió giật và có thể xảy ra mưa đá ở một số nơi. “Có thể trong cơn mưa sẽ xuất hiện mưa đá to từ 1,5 – 2 cm” bà Lan cảnh báo.

Theo bản tin phát lúc 18h20 của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh và rada Nhà Bè cho thấy mây đối lưu đang phát triển và gây mưa rào kèm dông trên khu vực các tỉnh TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau,..

Trong những ngày tới, mây đối lưu tiếp tục phát triển, gây mưa rào và dông cho các khu vực kể trên và còn lây lan sang các khu vực lận cận khác.  Có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn