MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang là gánh nặng với giáo viên. Ảnh: Đình Trọng

Vì sao nhiều giáo viên vẫn bị “thúc” học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN LDO | 21/10/2021 11:01

Nhiều giáo viên ở Hà Tĩnh phản ánh liên tục bị nhà trường, Phòng Giáo dục nhắc nhở, thúc giục đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên để được thăng hạng.

"Ép học" và thu 2,5 triệu đồng/ người

Ngày 20.10, một giáo viên tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phản ánh: Gần đây, chúng tôi bị nhà trường thúc giục đăng ký tham gia học lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, nếu không tham dự thì thiệt thòi quyền lợi, phải tự chịu trách nhiệm.

“Họ gửi kèm theo văn bản của Sở Giáo dục, rồi mẫu đơn đăng ký học gửi trường Đại học Hà Tĩnh, mẫu danh sách trích ngang đăng ký” – giáo viên cho biết.

Điều làm giáo viên này bức xúc vì phải nộp học phí khoảng 2,5 triệu đồng cho một chứng chỉ mang tính hình thức, đối phó với việc thăng hạng để nâng lương chứ không có tác dụng thực chất.

“Tôi đã tốt nghiệp đại học sư phạm, đủ các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, giảng dạy đã 20 năm, kiến thức, kĩ năng chuyên môn tốt. Không hiểu học thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nữa để làm gì” – giáo viên nói trên chia sẻ.

Cùng tâm trạng nói trên, nhiều giáo viên tại các địa phương khác ở Hà Tĩnh cho biết cứ liên tục bị nhà trường thúc giục phải đi học các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, với mức học phí khoảng 2,5 triệu.

Vừa triển khai, vừa “nghe ngóng”

Sáng 21.10, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hương Sơn cho biết, hiện ở huyện Hương Sơn đang cho các trường tổ chức cho giáo viên đăng ký học chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên trên tinh thần tự nguyện. Hiện mới tổ chức đăng ký, chưa tổ chức học, huyện đang “nghe ngóng” việc triển khai ở các huyện, thị trong tỉnh, khi nào nhiều địa phương cùng triển khai thì ở huyện cũng sẽ triển khai cho học.

Về việc đang chờ Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục cho giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mà sao vẫn triển khai cho giáo viên đăng ký học, ông Giang cho rằng, hiện theo thông tư của Bộ GDĐT vẫn yêu cầu đến 31.12.2021 phải hoàn thành chứng chỉ để xét chuyển đổi giữ hạng, hoặc thăng hạng giáo viên để xếp lương.

Do đó, nếu không tổ chức học thì sợ muộn, khi đó giáo viên không có chứng chỉ theo quy định để xét thì cũng sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Ông Giang cũng chia sẻ mong muốn Chính phủ sớm ban hành quy định để tránh vướng, băn khoăn ở cơ sở.

Ông Phan Thanh Dân - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Lộc Hà thông tin, trên địa bàn huyện đã triển khai cho giáo viên học chứng chỉ nghề nghiệp trên tinh thần tự nguyện. Ông Dân cũng cho hay, hiện theo quy định của Bộ Giáo dục thì vẫn đang cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên để xét giữ hạng, thăng hạng.

Trong lúc chờ quyết định của Chính phủ thì Phòng thông báo đến các trường trao đổi với giáo viên để họ tự nguyện đăng ký học hay không, nếu không học sau này ảnh hưởng đến quyền lợi thì giáo viên tự chịu trách nhiệm.

Bà Nguyễn Thanh Nga - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Thạch Hà cho hay, ở Thạch Hà chưa triển khai cho giáo viên đăng ký học lớp chứng chỉ nghề nghiệp vì theo văn bản của UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện.

Phòng Giáo dục thành phố Hà Tĩnh cũng khẳng định chưa triển khai về các trường đăng ký học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên vì hiện chưa nhận được văn bản hướng dẫn liên ngành của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục về vấn đề này.

Trước đó, Báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh tình trạng bất cập trong việc triển khai các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, đó là tình trạng lãng phí, không thiết thực, chỉ có tính chất đối phó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn