MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đào Vân Hồ (Sơn La) được các thương lái chuẩn bị chở về xuôi. Ảnh: Khánh Linh

Vì sao Sơn La bỏ dán tem đào Tết?

Khánh Linh LDO | 20/12/2022 20:35

Sơn La - “Đào Vân Hồ” nay đã không phải dán tem truy xuất nguồn gốc, phân biệt giữa đào trồng và đào rừng.

Những ngày cuối tháng 12, có mặt tại Quốc lộ 6, đoạn qua các huyện Vân Hồ, Mộc Châu của tỉnh Sơn La, theo ghi nhận của PV, dù nhiệt độ vùng núi cao Sơn La đang rét đậm, rét hại nhưng người dân đã bắt đầu rộn ràng dựng lều bày bán đào, phục vụ cho nhu cầu Tết Nguyên đán năm 2023. 

Người dân tỉa những gốc đào có tuổi đời từ 5 đến trên 10 năm, 20 năm tuổi, xếp ngay ngắn chờ thương lái đến lấy mang về xuôi xử lý cho ra hoa kịp Tết. 

Những vườn đào trồng của người dân huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Khánh Linh 

Còn đào cành chơi Tết cũng đã có lác đác vài hộ bày bán. Dự kiến mặt hàng này sẽ được người dân bán nhộn nhịp khi bước vào tháng 12 âm, đặc biệt từ ngày 15 - 25.12 âm lịch.

Điều đáng nói, năm nay, đào Sơn La đã không còn gắn tem truy xuất nguồn gốc, phân biệt giữa đào trồng và đào rừng.

Để làm rõ vấn đề này, PV đã liên hệ với UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. 

Trao đổi với PV, ông Thái Bá Sinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: “Tết Nguyên đán năm 2021, liên quan đến việc cấm chặt, kinh doanh đào rừng của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Vân Hồ đã phát hành tem cho cây đào trồng”.

  Những nụ hoa đào đang chờ bung nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Khánh Linh

Theo ông Sinh, tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy diện tích đào ở Vân Hồ chủ yếu là đào trồng, không còn đào tự nhiên, nên việc dán tem đã được bỏ. 

Thay vào đó, việc quảng bá sản phẩm đào Vân Hồ hiện nay được triển khai bằng việc đăng thông tin trên trang thông tin điện tử của huyện và thông qua Lễ hội hoa đào huyện Vân Hồ. 

"Lễ hội hoa đào huyện Vân Hồ năm nay sẽ được diễn ra từ ngày 6 - 8.1.2023, nhằm quảng bá sản phẩm đào huyện vùng cao Vân Hồ” - ông Sinh nói thêm. 

Trước đó, năm 2021, UBND huyện Vân Hồ (Sơn La) đã làm tờ trình đề xuất việc làm tem dán nhãn cho đào trồng của huyện, nhằm phân biệt đào trồng với đào rừng. 

Theo đó, UBND huyện Vân Hồ kiến nghị UBND tỉnh Sơn La báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho phép người dân được khai thác, buôn bán, vận chuyển cành đào, gốc đào trồng, tránh nhầm lẫn giữa đào bản địa trồng tại vườn, nương của gia đình và đào rừng. Cho phép huyện tổ chức Lễ hội hoa đào năm 2021, làm tem dán nhãn cho đào trồng của Vân Hồ.

Gốc đào, cành đào bắt đầu được bày bán dọc Quốc lộ 6, đoạn qua huyện Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La). Ảnh: Khánh Linh 

Thông tin từ UBND huyện Vân Hồ cho biết, hiện toàn huyện Vân Hồ có trên 500ha đào các loại, tập trung ở các xã Lóng Luông, Vân Hồ, Xuân Nha. Trong đó, diện tích đào quả là 238ha, đào lấy hoa chiếm 255ha. Năm 2023, dự kiến sẽ có 100ha đào được khai thác để phục vụ dịp Tết.

Anh Lò A Chu (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho biết: “Dù không dán tem nhưng thương lái vẫn lên lấy đào Vân Hồ mang về xuôi bán. Họ đã bắt đầu chở các xe tải gốc đào về xuôi từ đầu tháng 12 dương. Càng cận Tết Nguyên đán, lượng khách hàng đổ về Vân Hồ càng đông".

Được biết, mỗi vụ đào, nông dân ở đây sẽ thu được khoảng từ 30 - 50 triệu đồng trên mỗi gia đình. Đây được coi là nguồn thu nhập chính trong năm, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa nương. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn