MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luôn để mắt giữ gìn biển đảo, gắn với bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Hồng Vĩnh

Vì sao tình yêu biển đảo luôn trong tâm thức người Việt?

Nhà văn NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI LDO | 13/08/2022 11:49
1. Tôi chợt nhớ thời thơ ấu của mình, đứa bé có quê ngoại vùng biển đảo. Bà ngoại tôi là con gái của đảo Vân Đồn -  Quảng Ninh, lớn lên trên sóng nước thuyền bè.

Khi đất nước bị chia cắt hai miền, để tránh bị bắt đi vào Nam vì mẹ tôi là công chức của Pháp - bà phải tìm cách ở lại chờ chồng, vì bố tôi anh bộ đội Cụ Hồ sắp về sau nhiều năm chinh chiến gặp lại gia đình.

Chúng tôi được bà và mẹ cho lên thuyền để lánh ra quê ngoại trên đảo Vân Đồn. Ngày ấy chưa có đường bộ nối liền, chưa có tàu lớn. Vân Đồn vẫn là hòn đảo khá hoang vu, phải đi thuyền. Cũng chưa có cầu tàu, chúng tôi phải lội qua bãi sú vẹt khá xa để lên bờ.

Đó là lần đầu tiên tôi đi biển, gặp cả giông bão, lênh đênh vừa xúc động về biển đẹp mênh mông, vừa đầy sợ hãi sóng gió.

Nay thì sau mấy chục năm xa hẳn quê hương, tôi sống tại Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) đô thị lớn nhất nước. Giờ đây biết nhiều hơn về biển đảo của Tổ quốc với những chuyến du lịch Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết, Kiên Giang, Phú Quốc… với bao tiện nghi. Nhưng trong lòng tôi biển đảo quê nhà luôn là miền thương nhớ.

Một dạo tin tức, có nên cho nước ngoài thuê 100 năm với mấy hòn đảo lớn không, trong đó có Vân Đồn. Tôi thắp hương hỏi bà ngoại trên bàn thờ - “Cô Gái Đảo Vân Đồn” ấy nhìn tôi như bảo “Không”!

Vì sao biển đảo lại luôn trong tâm thức người Việt?

Không cần kể vì lẽ nó đẹp mênh mông khơi xa gợi nhớ thương, nơi phát triển kinh tế hay du lịch mà còn địa hình chính trị mang tên Biển Đông - nơi có lịch sử tranh chấp phức tạp, người dân luôn dõi theo.

Tổ quốc nơi đầu sóng trong ý nghĩa ấy. Không yêu thương lo lắng sao được. Người Việt phải luôn luôn để mắt tới để giữ gìn biển đảo - gắn với bảo vệ Tổ Quốc.

Còn vì sao nữa nhỉ?

2

Có phải vì truyền thuyết giống nòi “50 theo cha xuống biển”? vì đất nước có thủy quân nhà Nguyễn phát triển mạnh - tư tưởng “lấy thủy binh làm trọng” có vua Nguyễn Huệ là một thống soái thủy quân tài ba.

Có phải vì Việt Nam có Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của mình đã lênh đênh biển cả ra thế giới tìm đường cho dân tộc, đã từng có tuổi trẻ thổn thức nhớ đất nước “Sóng dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương”? Người con đó từng nhận mình là “người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Đó là khi Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Cao ủy Pháp D’ Agenlieu - hỏi  rằng “Chủ tịch rất quen với biển cả, xin tặng ngài danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ như quân đội Pháp tặng Napoleon danh hiệu người đội trưởng nhỏ”…

Có phải vì từng có những tù nhân - chiến sĩ Cách mạng “Vượt Côn Đảo” trên những ván thuyền tự đóng mong manh?

Có phải vì người Việt Nam đã từng đi những “Đoàn Tàu Không Số” chở vũ khí vượt biển mịt mùng? Đã từng phải gỡ bom mìn do Mỹ rải xuống phong tỏa cảng Hải Phòng?

Đã từng có những thời khắc lịch sử khốc liệt, không hiểu rõ thời cuộc, nhiều người con phải vượt biển ra đi rời Tổ quốc?

Có phải vì nay người Việt đã có niềm tự hào xây dựng Hải quân lớn mạnh chống lại những kẻ nhận vơ, bắt nạt, lập căn cứ quân sự phi pháp, vô cớ cấm đánh bắt cá trên Biển Đông?

Hay là vì người Việt Nam đã đổ bao máu xương để bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa!

Hay là vì bao người dân lao động như vẫn đang “Đánh cược mạng sống giữa biển khơi”, đánh bắt cá, khẳng định chủ quyền đất nước. Họ đang dùng bản năng chiến thắng của con người để xây dựng biển đảo của quê hương mình thành vùng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đa dạng các hệ sinh thái biển.

Câu trả lời là: Vì tất cả những điều đó.

3.

Tôi xa quê hương biển đảo của mình, dù là sống trong đô thị lớn, biết rằng, Vân Đồn quê xa nay đã thành vùng biển đảo phát triển hiện đại với vai trò vị trí kinh tế và quốc phòng quan trọng, một vùng đẹp nổi tiếng trên thế giới với Vịnh Hạ Long và ngày nay, bao thế hệ vẫn dự lễ hội Quan Lạn trên đảo ở trung tâm thương cảng cổ Vân Đồn, quê tôi lễ hội kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông chiến công của Trần Khánh Dư – danh tướng nhà Trần và cũng là ngày hội cầu mùa của dân biển quê tôi.

Trở thành một nhà báo đi tác nghiệp khắp đất nước, vài lần tôi đã phỏng vấn nhà nghiên cứu tự do Nguyễn Đình Đầu. Tôi đặc biệt yêu kính ông nay đã trăm tuổi – một trong số nhà sử học cống hiến nhiều cho việc tìm sử liệu chứng minh chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ông từng kể: “Có người tự tin bảo tôi: Ai chả biết Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam? Cụ khỏi mất công cho rắc rối…” Nhưng ông nghĩ phải đưa ra ánh sáng những chứng minh khoa học lịch sử không thể chối cãi. “Đó là bổn phận, đó là vấn đề của khoa học, thời sự của quốc tế và nước ta”.

Ông ước mong sao chúng ta cho in nhiều bản đồ biển đảo, loại nhỏ cầm tay như thói quen dùng của khách du lịch.

Nhưng với người Việt Nam, dù không thuộc hết chi tiết địa lý của muôn nghìn đảo lớn, nhỏ, nhưng như đã có từ bao giờ - trong lòng người Việt, tấm bản đồ bằng tình yêu đất nước mãnh liệt như một bản năng.

Là vì Tổ quốc của họ bên bờ sóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn