MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bãi tắm Trinh Nữ (ảnh). Để đưa một bãi tắm như thế này vào phục vụ du khách, sẽ phải vượt qua một "rừng" thủ tục. Ảnh: Nguyễn Hùng

Vì sao việc mở sản phẩm du lịch mới trên vịnh Hạ Long lại khó?

Nguyễn Hùng LDO | 23/11/2022 10:47

Quảng Ninh - Nhiều du khách phàn nàn về việc nhiều năm qua, vịnh Hạ Long không có thêm các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn trong khi dư địa còn rất lớn. Tuy nhiên, do quy định quá phức tạp, cùng với việc là Di sản thiên nhiên thế giới, nên việc mở các sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long là vô cùng khó khăn.

Sau rất nhiều các cuộc họp của các đơn vị liên quan về việc mở các sản phẩm du lịch, dịch vụ trên vịnh Hạ Long, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh tiếp tục đề nghị… họp thêm để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do quy định của luật.

Chưa có nói một loạt các sản phẩm du lịch mới mà các doanh nghiệp đang làm hồ sơ xin mở, mà ngay cả những sản phẩm đã được đưa vào sử dụng từ lâu hiện cũng sẽ phải vượt qua “rừng” quy trình để hoàn thiện thủ tục theo quy định.

Đua thuyền rồng tại làng chài Cửa Vạn (ảnh). Đây chỉ là một buổi trình diễn trong một sự kiện liên quan đến vịnh Hạ Long. Để đưa sản phẩm này vào phục vụ du khách cũng không dễ dàng. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ngoài gần 500 tàu du lịch đưa đón khách tham quan vịnh Hạ Long, còn có nhiều sản phẩm, dịch vụ đi kèm để phục vụ du khách.

Trong đó, trên vịnh Hạ Long hiện có có 5 đơn vị kinh doanh dịch vụ kayak, 5 đơn vị vừa hoạt động kinh doanh chèo kayak và đò chèo tay được Ban Quản lý vịnh Hạ Long ký hợp đồng hoạt động dịch vụ.

Đối với dịch vụ xuồng cao tốc, hiện có 3 đơn vị đăng ký hoạt động dịch vụ này. Đối với hoạt động của du thuyền, trên vịnh Hạ Long đang có 7 du thuyền của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ du thuyền Việt.

Từ tháng 2.2022, trên vịnh Hạ Long có sự hoạt động ven bờ của tàu nhà hàng - tham quan Sea Octopus QN-9229.

Hầu hết các dịch vụ trên đều có trước Nghị định 48/2019/NĐ-CP, ngày 5.6.2019 của Chính phủ về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Theo đó, trước khi cấp phép cho bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào thì địa phương phải công bố vùng nước và giao vùng nước cho đơn vị cụ thể.

Tuy nhiên, đến nay, tất cả các dịch vụ trên đều vi phạm Nghị định 48/2019/NĐ-CP vì Quảng Ninh chưa triển khai thực hiện nghị định này.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến một loạt các sản phẩm mới mà các doanh nghiệp kiến nghị cho thực hiện đều vướng.

Chèo thuyền nan thăm hang Luồn. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo Sở GTVT Quảng Ninh, việc công bố điểm/khu vui chơi giải trí dưới nước gắn liền với việc giao mặt nước cho đơn vị khai thác quán lý, sử dụng, không phù hợp với quy định của Luật Di sản, Luật Du lịch và các quy định khác về tài nguyên, môi trường, an ninh, an toàn...

Ngoài ra, sau khi công bố và giao mặt nước, toàn bộ các hoạt động phải tổ chức quản lý theo quy định về “điểm vui chơi giải trí dưới nước”, nghĩa là phải thực hiện theo một quy trình rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Trong đó, sẽ phải xin ý kiến, thỏa thuận với Ủy ban UNESSCO, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, trang bị các công cụ. dụng cụ phục vụ quản lý…

Vì thế, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh 2 phương án xử lý, giải quyết các vướng mắc đối với công tác quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long.

Theo phương án 1, sẽ thực hiện theo Nghị định 48 2019/NĐ-CP, tổ chức hoạt động các điểm dịch vụ phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long trên theo quy mô hoạt động của “khu/điểm vui chơi giải trí dưới nước”.

Theo đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tổ chức lập, hoàn thiện quy hoạch các khu vực dành cho “vui chơi giải trí dưới nước” trên vịnh Hạ Long.

Giao Ban Quản lý vịnh Hạ Long là chủ đầu tư xây dựng các khu “vui chơi giải trí dưới nước” trên vịnh Hạ Long theo quy hoạch được duyệt, sau khi chấp thuận/công bố theo quy định tại Nghị định 48 2019/NĐ-CP, toàn bộ phần mặt nước và cơ sở hạ tầng tại các khu vui chơi, giải trí trên sẽ do Ban Quản lý vịnh Hạ Long quản lý.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long ký hợp đồng cho các đơn vị vào kinh doanh, khai thác tại điểm.

Theo phương án 2, sẽ tổ chức hoạt động tại các điểm trên như là điểm du lịch để đón du khách đến sử dụng sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long; các địa điểm trên chỉ là điểm du lịch, không phải điểm vui chơi giải trí dưới nước và tổ chức quản lý hoạt động theo quy định của Luật Di sản, Luật Du lịch, Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác về tài nguyên, môi trường, an ninh...

Do đây là nội dung khó, còn nhiều vấn đề chưa rõ để áp dụng thực hiện, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh là liên ngành đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thêm một cuộc họp, với sự tham gia của đầy đủ các đơn vị liên quan và các đơn vị có nhu cầu kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long, để tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét giải quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn