MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh nhà ga tàu điện ngầm C9 ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm.

Vị trí ga C9 đường sắt đô thị đã "nâng lên đặt xuống", cân nhắc nhiều lần

Vương Trần LDO | 29/05/2021 17:09

Lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục lắng nghe và đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng phương án đặt ga C9. Phương án hiện nay đã được qua nhiều quy trình, nhiều vòng, được nâng lên đặt xuống, cân nhắc rất nhiều lần để tối ưu nhất.

Đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 3439/VPCP – CN gửi UBND TP.Hà Nội thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về vị trí xây dựng ga ngầm C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP.Hà Nội nghiên cứu ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại văn bản số 1412/BVHTTDL-DSVH ngày 4.4.2021; chủ trì phối hợp với các Bộ: Văn hóa Thể thao và Du lịch, GTVT, Xây dựng, Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 2.4.2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.Hà Nội.

Liên quan tới vấn đề này, ngày 29.5, trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Trung Hiếu - Phó Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, hiện nay Ban Quản lý ĐSĐT đang chuẩn bị các báo cáo tới thành phố về vấn đề này. Với các ý kiến của các cơ quan có liên quan, đơn vị rất cầu thị, lắng nghe và có những đánh giá một cách kỹ lưỡng, tối ưu và phù hợp nhất, đảm bảo công trình giao thông này không ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị mà góp phần phát huy giá trị di sản, di tích hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận.

Cũng theo ông Lê Trung Hiếu, vị trí đặt ga C9 hiện nay đã được cân nhắc, đánh giá và nâng lên đặt xuống rất nhiều lần. Việc này được thiết kế trong tổng thể quy hoạch, phù hợp với vị trí đặt các ga khác. Phương án này đang là tối ưu nhất về mặt kỹ thuật cũng như các trình tự pháp lý, thủ tục và đảm bảo nhất lợi ích cho người dân cũng như lợi ích cho thành phố đối với công trình giao thông công cộng.

3 phương án Hà Nội dự kiến

Trước đó, Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét về phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội giao Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu bổ sung theo 3 phương án:

Trong đó, phương án 1 sẽ nghiên cứu kỹ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ đối với loại hình đường sắt đô thị ngầm làm cơ sở nghiên cứu điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (ranh giới nhà ga ngầm trùng với ranh giới vùng bảo vệ II).

Phương án 2 sẽ giữ nguyên, không đề xuất điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm đã được Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội và các sở, ngành, TP thống nhất, đã xác định trong quy hoạch Thủ đô. Củng cố các văn bản pháp lý để UBND TP thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng (không điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch GTVT Thủ đô), làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định về hướng đoạn tuyến và vị trí ga ngầm C9.

Phương án 3 sẽ giữ nguyên hướng tuyến, xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 với yêu cầu bảo đảm tất cả yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ liên quan để chạy tàu; phân tích, đánh giá về việc sẽ giảm tổng mức đầu tư, giảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư, lưu lượng hành khách...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn