MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếm dụng vỉa hè đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) làm nơi buôn bán, người dân phải đi bộ dưới lòng đường. Ảnh: Minh Quân

Vỉa hè phải dành cho người đi bộ, không thể cho phép kinh doanh

MINH QUÂN - PHƯƠNG NGÂN LDO | 11/02/2023 14:32

Việc TPHCM tính cho sử dụng vỉa hè, làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, nơi trung chuyển vật liệu, phế thải... có thu phí khiến nhiều người lo lắng không còn chỗ cho người đi bộ.

Không nên cho thuê vỉa hè, lòng đường

Lo lắng về vấn đề thương mại hóa vỉa hè, anh Nguyễn Văn Bình (quận 1) cho rằng, lề đường hoặc vỉa hè có chức năng chính là dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho xe đang lưu thông. “Người dân lấn chiếm tự kinh doanh không phạt thì thôi giờ lại tính thương mại hóa cả vỉa hè lẫn lòng đường. Khi cho phép dùng vỉa hè thì đương nhiên người buôn bán lấn chiếm hết vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Người đi bộ đi xuống lòng đường nếu bị tai nạn thì nói đi không đúng luật” - anh Bình nói.

Tương tự, anh Trịnh Hoàng Chánh (quận Bình Thạnh) cho rằng, tình trạng lấn chiếm vẫn diễn ra ở hầu hết các tuyến đường ở TPHCM, nếu cho phép sử dụng vỉa hè và thu phí thì sẽ khó kiểm soát được việc sử dụng vỉa hè. “Nếu cho phép sử dụng vỉa hè có thu phí thì sẽ khó quản lý việc sử dụng vỉa hè đúng mục đích và có chừa lối đi cho người đi bộ hay không? Điều này dễ dẫn đến người dân sẽ dựa vào việc này mà công khai lấn chiếm vỉa hè, khi ấy sẽ không còn vỉa hè dành cho người đi bộ” - anh Chánh nói.

Không đồng ý với phương án cho thuê vỉa hè tạm thời để làm nơi kinh doanh, buôn bán, làm bãi giữ xe, PGS-TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách Khoa TPHCM) - người đã có nhiều công trình nghiên cứu về giao thông của TPHCM cho rằng, vỉa hè chỉ được dùng cho người đi bộ. Theo ông Mai, vỉa hè của TPHCM rất nhỏ, giao thông hiện tại còn rất nhiều hỗn loạn, nếu thu phí như vậy sẽ tạo điều kiện cho nhiều người lấn chiếm vỉa hè, phát sinh tiêu cực.

“Vỉa hè gắn liền với đường giao thông, người đi lại. Nếu thu phí như vậy thì nghiễm nhiên đã công nhận vỉa hè cho phép người ta sử dụng. Ảnh hưởng đến giao thông rất nhiều mà thu lại chẳng bao nhiêu” - PGS-TS Phạm Xuân Mai thẳng thắn.

Đồng quan điểm, theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - nếu vỉa hè, lòng đường được khai thác vào mục đích kinh doanh thì sẽ làm mất đi tính năng cơ bản mà từ đó nó được sinh ra: Đó là phục vụ giao thông. Do đó, không thể cho phép kinh doanh trên vỉa hè.

Ông Ninh cho rằng, phải chấm dứt thu phí, lệ phí sử dụng vỉa hè, lòng đường vì đây là lạm dụng, phát sinh tiêu cực và phản văn minh. Theo ông Ninh, nhiều quốc gia cho phép sử dụng vỉa hè nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc như: Không vi phạm luật và cản trở giao thông; bảo đảm vệ sinh, an toàn, mỹ quan đô thị; thu phí đầy đủ; có thời hạn, vị trí nhất định, không tràn lan. “Một số trường hợp cá biệt cho sử dụng vỉa hè phải được quy hoạch do HĐND tỉnh, thành phố duyệt và chỉ cho từng thời điểm” - ông Ninh nói thêm. 

Sở GTVT TPHCM nói gì?

Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng đường bộ (Sở GTVT TPHCM) - trước đây, UBND TPHCM từng ra hai quyết định về việc sử dụng vỉa hè. Theo quyết định 74/2008 của UBND TPHCM ngày 23.10.2008, đối với vỉa hè có bề rộng trên 3m, phạm vi cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông (làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ dịch vụ buôn bán hàng hóa...) có bề rộng lớn nhất là 1,5m tính từ mép tiếp giáp nhà bên trong vỉa hè (hoặc từ mốc chỉ giới đường) trở ra hoặc từ bó vỉa trở vào.

Trên cơ sở đề xuất của các quận huyện, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 5010/2009 ngày 3.11.2009 cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí (160 tuyến đường), phục vụ kinh doanh dịch vụ buôn bán hàng hóa (112 tuyến) và cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí (73 tuyến). “Đề án thu phí lần này chủ yếu làm công khai, minh bạch việc thu phí để tránh tiêu cực” - ông Đường nói.

Ông Ngô Hải Đường khẳng định, quan điểm của TPHCM là vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m và hai làn ôtô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông. "Tất cả các hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường phải được Sở GTVT TPHCM, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện xem xét cấp phép theo quy định" - ông Đường nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn