MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Buôn bán lấn chiếm trên đường Trường Sa - trước chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: MINH QUÂN

Vỉa hè TP. Hồ Chí Minh bị tái lấn chiếm: Buông lỏng hay có bảo kê?

MINH QUÂN LDO | 15/11/2019 06:51

Trước thực trạng lòng đường vỉa hè bát nháo trở lại ở TPHCM, một số địa phương nêu nhiều lý do và bày tỏ không đủ sức, thậm chí “lập lại trật tự là nhiệm vụ bất khả thi”... Song, người dân thì đặt ra vấn đề đối với các cơ quan quản lý là có hay không hiện tượng bảo kê hoặc buông lỏng trong việc lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè (!?).

Không chung chi thì khó có thể làm ăn

Ngày 13.11, tiếp xúc với chúng tôi, một số một chủ quán phở ở đường Trần Quang Khải (quận 1), cho biết, có chi trả các khoản “lệ phí ngoài” để được vị trí vỉa hè làm khu để xe cho khách hàng. “Chúng tôi không chung chi thì khó có thể làm ăn” - một chủ quán phở đường Trần Quang Khải - thổ lộ.

Còn nhớ, đường Trần Quang Khải, trước đó đích thân ông Đoàn Ngọc Hải - Nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1 ra quân xử lý mạnh tay để giành lại vỉa hè, lề đường, nhiều nhà dân được vận động tháo dỡ bậc tam cấp thì đến nay các cơ sở, hộ kinh doanh quay trở lại tái chiếm, gây cảnh lộn xộn, nhếch nhác ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Cuối tháng 12.2017, UBND quận 1 đã họp và ra quyết định cho thôi việc đối với ông Phạm Nguyên Vũ - cán bộ thuộc Đội Quản lý trật tự đô thị của quận này khi người dân tố giác ông Vũ “bảo kê” cho lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn. Trong đơn từ chức Phó Chủ tịch UBND quận 1 ngày 8.1.2018, ông Đoàn Ngọc Hải cũng nói rằng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý, vì đụng đến lợi ích to lớn của chủ các bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... “và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó”.

Từ đó, người dân càng có lý do đặt dấu hỏi rằng, phải chăng việc buông lỏng hay bảo kê đã thực sự trở thành vấn nạn khiến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường ngày càng phức tạp tại địa bàn đô thị lớn nhất nước?

Ngày 13.11, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, qua kiểm tra, giám sát chưa phát hiện trường hợp cụ thể cán bộ địa phương bảo kê, bao che lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, việc người dân nghi ngờ là có cơ sở vì nhiều địa phương buông lỏng, không thực hiện. “Những địa phương nào không vào cuộc xử lý các vi phạm, xử lý không nghiêm mới dẫn tới dư luận cho rằng có tình trạng bao che, bảo kê. Trường hợp địa phương xử lý nghiêm thì người dân sao có thể nghĩ rằng có bảo kê được” - ông Tường nói.

Dân ít thấy cán bộ bị xử lý

Đầu năm 2018, 24 quận, huyện ở TPHCM đã ký cam kết sẽ đảm bảo trật tự lòng lề đường, vỉa hè ở 157 tuyến đường. Nếu quận, huyện nào làm chưa tốt thì cán bộ phụ trách phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, trong 157 tuyến đường mà các quận, huyện đăng ký lập lại trật tự lòng lề đường với UBND TPHCM chỉ có 34 tuyến đã được thông thoáng (chiếm 21,7%), còn lại 109 tuyến có chuyển biến nhưng không đáng kể (chiếm 69,4%) và 14 tuyến đường bị đánh giá phức tạp (chiếm 8,9%).

Mặc dù nhiều địa phương không thực hiện đúng cam kết nhưng thực tế dư luận thấy rất ít cán bộ, người đứng đầu bị xử lý kỷ luật hay thuyên chuyển công tác. Chỉ có thời gian qua, một số quận huyện như Củ Chi, quận 1 có động tác điều chuyển, kiểm điểm xử lý trách nhiệm cán bộ.

Theo lãnh đạo huyện Củ Chi, thời gian qua huyện đã cương quyết xử lý những cán bộ không làm tròn trách nhiệm, để vỉa hè bị tái lấn chiếm. Cụ thể, huyện đã kỷ luật buộc thôi việc một đội trưởng đội quản lý trật tự đô thị; kỷ luật cách chức, hạ bậc lương một chủ tịch UBND xã; hạ bậc thi đua 2 phó chủ tịch UBND xã phụ trách đô thị vì đã buông lỏng quản lý vỉa hè. Ngoài ra, huyện cũng điều chuyển 5 cán bộ đô thị cấp xã vì ngại đụng chạm “người thân, họ hàng” qua công tác tại địa phương khác. Trong khi đó, các địa phương khác dù vỉa hè vẫn bị lấn chiếm, song người dân vẫn chưa thấy cán bộ đứng đầu bị xử lý.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Ban An toàn giao thông, thành phố thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát các tuyến đường trọng điểm và báo cáo cụ thể những nơi có chuyển biến, thông thoáng hoặc chưa chuyển biến, còn lấn chiếm. Kết quả này sẽ được báo cáo để UBND thành phố xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Ông Tường cho rằng, nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực trong quá trình kiểm tra xử lý các vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, các phường trong một quận cần linh động trong việc bố trí nhân sự, kế hoạch kiểm tra cũng như phương án xử lý. Đi chéo các địa bàn với nhau đó là cách tránh nhũng nhiễu, bao che, bảo kê của lực lượng này. Ví dụ, tổ trật tự của phường này có thể qua phường kia xử lý. Việc này sẽ tránh tình trạng một tổ nếu làm hoài một chỗ sẽ dẫn đến tình trạng bao che, bảo kê hoặc là không có xử lý nghiêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn