MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) bong tróc gạch gây khó khăn cho người đi bộ. Ảnh: M.Q

Vỉa hè TPHCM biến dạng, gập ghềnh “bẫy” người đi bộ

Minh Quân LDO | 01/07/2022 06:22

TPHCM - Nhiều vỉa hè ở các tuyến đường khu vực trung tâm TPHCM trong tình trạng nát như tương, gạch bể vụn, chỗ lồi chỗ lõm “bẫy” người đi bộ.

Ghi nhận của PV hiện nay, vỉa hè ở nhiều tuyến đường khu trung tâm TPHCM như: Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Pasteur, Điện Biên Phủ (Q.3), đường 3 tháng 2 (quận 10)… bị hư hỏng nặng.

Tại vỉa hè góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu, gạch lát nham nhở, bong tróc, bung lên chất thành đống, nhiều đoạn tạo thành hố sâu.

Đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nên vào giờ cao điểm rất nhiều người chạy xe máy lên vỉa hè khiến vỉa hè càng thêm tan nát.

Vỉa hè trên đường Đinh Tiên Hoàng gạch lát nham nhở, bong tróc. Ảnh: M.Q
Vỉa hè tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) tan nát do xe máy thường xuyên chạy lên. Ảnh: M.Q
Vỉa hè đường Pasteur (quận 3) bị mất một mảng gạch, mưa xuống đọng nước trông nhếch nhác. Ảnh: M.Q

Tượng tự, nhiều đoạn vỉa hè đường 3 tháng 2 cũng nát như tương, gạch bể vụn, có chỗ lòi cả đất cát.

Ông Nguyễn Đăng Thắng (55 tuổi) - chạy xe ôm khu vực đường 3 tháng 2 - cho biết, vỉa hè bong tróc, lởm chởm như hiện nay một phần do nhiều người vô ý thức khi có đèn đỏ đã phóng xe lên vỉa hè chạy cho nhanh.

Lâu dần, phần ximăng kết dính gạch lót vỉa hè với phần nền bị bong ra khiến gạch bị bấp bênh, nhiều xe chạy qua sẽ làm gạch bị vỡ. Một viên gạch vỡ để lộ các điểm nối khiến các phần gạch khác cũng bong tróc theo dây chuyền.

"Việc chạy xe lên vỉa hè không chỉ gây hư hỏng gạch lót mà còn đe dọa đến an toàn của người đi bộ" - ông Thắng nói.

Vỉa hè đường 3 tháng 2 (quận 10) nát như tương. Ảnh: M.Q
Nhiều người chạy xe máy lên vỉa hè khiến vỉa hè càng thêm tan nát. Ảnh: M.Q

Ông Lê Đức Thanh - Chủ tịch UBND quận 1 - cho hay, thời gian qua đã nhận được phản ảnh của người dân về tình trạng vỉa hè hư hỏng, vỡ vụn. Tuy nhiên, quận không có kinh phí để sửa chữa.

Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, theo tổ chức chính quyền đô thị, quận không còn là đơn vị cấp ngân sách mà chỉ dự toán. Toàn bộ ngân sách kết dư phải chuyển về TPHCM.

Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho quận trong việc triển khai các dự án, công trình trên địa bàn. Do khi ngân sách kết dư được chuyển về cho thành phố, các công trình này phải chờ bố trí nguồn vốn.

"Hiện các công trình nhỏ như sửa chữa vỉa hè, nâng cấp đường hẻm của quận muốn làm nhưng phải chờ thành phố phân bổ" - ông Lê Đức Thanh nói.

Vỉa hè đường 3 tháng 2 tan nát.  Ảnh: M.Q

Theo Sở Gia thông vận tải (GTVT) TPHCM, vỉa hè ở các tuyến đường được bàn giao cho các quận, huyện quản lý nên địa phương phải chịu trách nhiệm cả việc đầu tư, xây và sửa chữa vỉa hè nếu có hư hỏng. Tuy nhiên, nhiều vỉa hè vừa mới sửa chữa được vài tháng là... nứt do xe máy leo lên.

Sở GTVT TPHCM đã đề nghị các quận huyện phải tích cực kiểm tra, mạnh tay xử lý tình trạng trên, đồng thời tiếp tục thực hiện công tác quản lý, duy tu vỉa hè thường xuyên và lâu dài.

Thanh tra giao thông cũng được yêu cầu thường xuyên tuần tra, xử phạt các đơn vị thi công công trình ngầm chưa làm tốt công tác tái lập mặt bằng vỉa hè.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn