MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành Y tế Đà Nẵng phun thuốc khử trùng khu vực có bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Hữu Long

Việt Nam áp dụng những biện pháp chưa từng áp dụng

Thùy Linh LDO | 27/07/2020 13:26

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi chưa rõ nguồn lây. Theo các chuyên gia, tình hình có thể không chỉ dừng lại ở vài ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng mà có thể bùng phát thành dịch. Việc cần làm lúc này là phải đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, nhằm xác định sớm ca mắc từ đó tiếp tục khoanh vùng, dập dịch.

Xét nghiệm trên diện rộng

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 18h ngày 26.7, phát hiện thêm 4 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi (bệnh nhân 416, 418, 419, 420). Ca bệnh 419 (BN419): Bệnh nhân nam, 17 tuổi, ở phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ca bệnh 420 (BN420): Bệnh nhân nữ, 71 tuổi, ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 420 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Hiện Bộ Y tế đang tiến hành rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 và hệ thống máy xét nghiệm ELISA. Đây là biện pháp chưa từng áp dụng. 

“Trước đây, khi có ca mắc, chúng ta tiến hành rà soát và xét nghiệm những người tiếp xúc gần. Còn với trường hợp này, quy mô khoanh vùng, xét nghiệm rộng hơn, bất kỳ chỗ nào có nguy cơ đều được tiến hành sàng lọc. Tất cả đối tượng có nguy cơ đều được xét nghiệm để kiểm tra. Đối tượng như thế nào sẽ phụ thuộc vào điều tra dịch tễ” - PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho biết. 

Bên cạnh đó, việc truy vết trên diện rộng đang được thực hiện, nhằm tìm ra những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm là quy trình quan trọng nhằm làm chậm sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và để tránh các đợt bùng phát dịch.

“Ở nước ta, quá trình này chủ yếu liên quan đến công nghệ, phổ biến nhất là điện thoại. Bệnh nhân nghi nhiễm, người tiếp xúc gần, thậm chí người tiếp xúc với người tiếp xúc gần sẽ được cơ quan y tế gọi điện thoại đến để tìm hiểu thông tin. Họ sẽ trả lời các câu hỏi đơn giản như những nơi từng đến, người đã ở gần. Những người mà họ báo lại sẽ được liên lạc và phỏng vấn. Cứ thế, cơ quan y tế sẽ truy vết và tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Phỏng vấn qua điện thoại là cách làm phổ biến và hiệu quả nhất trong đại dịch COVID-19 ở Việt Nam để truy vết người tiếp xúc”- ông Trần Đắc Phu cho hay. 

Khoanh vùng dập dịch, tăng cường truy vết

PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho rằng, tình hình có thể không chỉ dừng lại ở 1-2 ca trong cộng đồng, việc cần làm lúc này là ngành Y tế Đà Nẵng cần đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, nhằm xác định sớm ca mắc từ đó tiếp tục khoanh vùng, dập dịch.

Đối với người dân đang sống ở Đà Nẵng, ông Phu khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc đông người khi không cần thiết, thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn và giãn cách cộng đồng. 

Đối với chỉ đạo từ một số địa phương về việc người dân trở về từ Đà Nẵng trong thời gian gần đây phải tự cách ly 14 ngày tại nhà, PGS-TS Trần Đắc Phu khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, Ban chỉ đạo Quốc gia chưa có thông báo cần thực hiện cách ly đối với người trở về từ Đà Nẵng. Trước mắt, người dân chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú và đến các cơ sở y tế gần nhất khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở.

Bên cạnh đó, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng: Việc hạn chế đi lại đối với người dân khi đến Đà Nẵng phụ thuộc vào kết quả điều tra dịch tễ của các cơ quan chức năng xem mức độ lây lan ra cộng đồng như thế nào thì mới có quyết định từ Ban chỉ đạo Quốc gia. Hiện tại, việc điều tra dịch tễ và triển khai xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng cho người dân tại những khu vực có nguy cơ cao ở Đà Nẵng đang được tiến hành khẩn trương.

Ông Phu cũng khuyến cáo khách du lịch đang ở Đà Nẵng không nên lo lắng quá mà ồ ạt ra sân bay.  Những đoàn du lịch đã đi cùng nhau thì tiếp tục sinh hoạt chung, ra sân bay theo đúng lịch trình, không nên tiếp xúc với nhóm người lạ, những người có nguy cơ, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, thực hiện nghiêm khuyến cáo phòng chống dịch của ngành Y tế như giãn cách cộng đồng, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên...

“Những người đi du lịch bình tĩnh. Những nhóm đã đi du lịch cùng nhau thì nhóm nào sinh hoạt theo nhóm đó tránh việc ra sân bay ồ ạt gây quá tải thì việc phòng chống dịch COVID- 19 ở sân bay còn khó khăn hơn nếu có ca lây nhiễm” - ông Phu nhấn mạnh. 

Yêu cầu bảo đảm sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế tập trung chỉ đạo thực hiện trên toàn quốc: Tăng cường giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây; kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch. Tiếp tục phát huy các thành công, kinh nghiệm trong việc điều trị các trường hợp bệnh nặng trước đây, triển khai áp dụng các quy trình, phác đồ điều trị hiệu quả đồng thời tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật giữa các tuyến để hạn chế tối đa trường hợp tử vong do COVID-19. Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch. Các bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin như Ncovi, Bluzone để phát hiện, truy vết các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, trước hết yêu cầu sử dụng các biện pháp mạnh, sử dụng công nghệ truy vết trên diện rộng tại Thành phố Đà Nẵng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn