MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh HTuấn

Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Minh Hạnh LDO | 10/02/2021 07:37
Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởnghiện nay sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - đó là khẳng định của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ - ông Huỳnh Thành Đạt.

Với mục tiêu này việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp, bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, để làm được điều này, trong thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ sẽ tập trung làm tốt 6 nhóm công việc.

Cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế xã hội; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật liên quan, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Tiếp tục đầu tư để phát triển, hiện đại hoá hạ tầng và tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số...

Thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng; chủ động, tích cực phối hợp để phát huy vai trò quan trọng của các ngành, các cấp, các địa phương trong việc thúc đẩy ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội ở các ngành các cấp, các địa phương.

5 năm qua, khoa học và công nghệ Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, trong đó, khoa học chính trị và kinh tế đã và đang cung cấp các luận cứ sâu sắc và kịp thời trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống chính trị.

Khoa học xã hội và nhân văn đã phát triển hệ thống lý luận mới về vai trò của văn hóa, lịch sử, con người và các nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững, tác động vào quá trình thay đổi nhận thức và hành vi, bồi đắp trí tuệ của con người Việt Nam.

Cùng với đó, khoa học tự nhiên đã có tiến bộ vượt bậc về lượng và chất trong những năm gần đây. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam tăng gần gấp 3 lần so với đầu nhiệm kỳ, bình quân hằng năm tăng trên 20%.

Cùng với đó, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên một tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhanh chóng tiếp thu, thúc đẩy ứng dụng trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn