MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng vận chuyển trái phép, buôn lậu gia cầm từ biên giới có thể làm xâm nhiễm mạnh dịch cúm gia cầm A/H5N8 vào Việt Nam. Ảnh minh họa: QLTT

Việt Nam có đủ vaccine phòng chống cúm gia cầm A/H5N8 độc lực cao

Vũ Long LDO | 13/12/2021 08:17

Dịch cúm gia cầm A/H5N8 có tỉ lệ lây lan cao, có thể lây từ gia cầm sang người. Việt Nam có đủ vaccine để tiêm phòng cho gia cầm.

38.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy

Ngày 12.12.2021, trả lời câu hỏi của PV Lao Động về chủng virus mới độc lực cao A/H5N8 gây dịch cúm gia cầm, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), cho biết: Từ tháng 6.2021 xuất hiện chủng virus cúm gia cầm mới H5N8 lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam, sau đó đã lây lan sang 14 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 38.000 con gia cầm.

Hiện nay, cả nước có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi và Quảng Nam chưa qua 21 ngày. Cục Thú y khẳng định: Việt Nam có đủ lượng vaccine cúm gia cầm, kể cả vaccine phòng H5N8 chất lượng để tổ chức phòng, chống dịch bệnh.

Cục Thú y khuyến cáo, trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 có thể xuất hiện và lây lan là rất cao. Nguyên nhân do Việt Nam có chung đường biên giới dài với các nước trong khu vực, các hoạt động giao lưu thương mại, phương tiện, con người qua lại giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt chim hoang dã có thể nhiễm mầm bệnh ở các nước rồi mang vào Việt Nam.

Hơn nữa, hằng ngày, lượng người đi từ các nước qua đường bộ, đường hàng không, đường biển và phương tiện ra, vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước Châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt gia cầm nên có thể đưa mầm bệnh cúm gia cầm A/H5N8 vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm của gia cầm nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn xảy ra nhiều gây nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh vào nước ta.

Cúm gia cầm A/H5N8 không lây từ người sang người

Dẫn thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Cục Thú y cho biết: Từ năm 2014 đến nay, chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm (giai đoạn đầu chủ yếu xảy ra ở trên chim hoang dã), sau đó lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng và gây ra dịch bệnh trên gia cầm nuôi.

Tính đến tháng 6.2021, tổng cộng đã có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng virus này. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch cúm gia cầm do các chủng virus khác nhau gây ra tại hàng chục quốc gia (trong đó có các quốc gia chung biên giới, gần Việt Nam);

Trong tháng 2.2021, có 7 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm virrus cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ (theo Tổ chức Y tế thế giới, đến đến nay chưa có bằng chứng về virus cúm gia cầm A/H5N8 lây từ người sang người.

Tình hình dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N8 tại Việt Nam   

Trong tháng 6.2021, Việt Nam lần đầu tiên phát hiện chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 trên gia cầm, cụ thể:                    

Tại tỉnh Hòa Bình: Ổ dịch CGC A/H5N8 xảy ra trên đàn gia cầm 5.000 con của một hộ chăn nuôi tại xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy.

Tại tỉnh Cao Bằng: Ổ dịch xảy ra trên đàn gia cầm 175 con của một hộ chăn nuôi tại phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng. Tại tỉnh Quảng Ninh: Ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 xảy ra trên đàn gia cầm 2.000 con của một hộ chăn tại xã Vũ Oai, TP.Hạ Long. Xét nghiệm cho kết quả dương tính với chủng virus A/H5N8.

Các địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh tại các hộ chăn nuôi nêu trên và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; đến nay không xuất hiện thêm ổ dịch mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn